Phế liệu nhập khẩu: Càng siết càng... tăng vọt

TP - Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, khối lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu tăng tới 50,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, khoảng 15.000 container phế liệu  vẫn đang tồn đọng trên cả nước. Các bộ ngành ra sức siết nhưng có vẻ “siết chỗ này lại phình chỗ khác”.
Cảng Tân Vũ, Hải Phòng vẫn đang tồn đọng rất nhiều container phế liệu Ảnh: Tuấn Nguyễn
8 tháng nhập bằng 2 năm trước 
Theo thống kê của Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, lượng phế liệu nhập khẩu  bằng lượng nhập khẩu của cả năm 2015 và 2016. Chỉ trong tháng 8, Việt Nam  nhập khẩu 484.660 tấn sắt thép phế liệu, tăng 0,8% so với tháng trước đó. Nhật Bản và Mỹ tiếp tục là hai thị trường cung cấp sắt thép phế liệu lớn nhất cho Việt Nam. Ngoài ra Việt Nam cũng tăng mạnh nhập khẩu sắt thép phế liệu từ một số thị trường mới như Hà Lan, Campuchia, Mexico, Anh...
Mới đây, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý chia sẻ hoạt động nhập khẩu phế liệu có chiều hướng gia tăng mạnh, diễn biến phức tạp. Bên cạnh các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nhập khẩu chính đáng để về sản xuất giấy, sản xuất thép thì một số DN lại lợi dụng sơ hở của cơ chế chính sách để nhập số lượng lớn phế liệu không đủ điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường vào Việt Nam.
Về nguyên nhân, từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế (trong đó có một số mã phế liệu nhựa và giấy trùng với danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo Quyết định số 73 của Thủ tướng Chính phủ). Điều này tác động, gia tăng đột biến lượng container  nhập về tại các cảng biển, đặc biệt là nhựa phế liệu và giấy phế liệu.
Thậm chí, một số DN đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong  nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để  nhập khẩu phế liệu nhưng lại bán cho các DN nhỏ lẻ khác (DN chưa được cấp giấy phép) để đưa vào các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Qua rà soát, Hải quan đã phát hiện trên 45 mẫu phế liệu, tương ứng trên 300 container không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, có lẫn các tạp chất nguy hại đến môi trường.
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành đánh giá tổng thể tình hình xuất nhập khẩu phế liệu của trên 250 DN. Đồng thời, rà soát, so sánh, đối chiếu thông tin trên cơ sở báo cáo của các Sở Tài nguyên và Môi trường, dữ liệu cấp phép nhập khẩu…, qua đó xác định 44 DN có dấu hiệu nghi vấn gian lận về sửa chữa, làm giả hồ sơ, nhập vượt số lượng được cấp phép…trong hoạt động  nhập khẩu phế liệu. Hiện cơ quan Hải quan đang tiếp tục tổ chức điều tra xác minh theo chức năng, nhiệm vụ.
Lực lượng Hải quan kiểm tra các container phế liệu nhựa và giấy tại cảng Hải Phòng ngày 3/8.  Ảnh: Tuấn Nguyễn
Làm sao siết chỗ này không phình chỗ khác?
Theo Bộ TN&MT, qua thanh kiểm tra, tính đến cuối tháng 9, có hơn 15.000 container phế liệu nhập khẩu còn tồn đọng tại 7 cảng biển trên cả nước. Trong đó, gần 5.000 container (chiếm 32%) tồn đọng quá 90 ngày, chủ yếu là phế liệu nhựa và giấy. Trong số các cảng đang tồn đọng thì cảng Hải Phòng chiếm nhiều nhất, với tổng số hơn 6.000 container phế liệu. Tiếp đó là Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 5.500 container, TP Hồ Chí Minh đứng thứ ba với hơn 3.000 container.
Bộ TN&MT cho biết, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 158 tổ chức, cá nhân nhập khẩu hơn 4.500 container phế liệu không có giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường do cơ quan quản lý môi trường cấp trong nhập khẩu phế liệu. Hải quan sẽ tiến hành xác minh và xử lý như đối với các tổ chức buôn lậu phế liệu nhập khẩu, khi có đủ chứng cứ sẽ tiến hành khởi tố.
Theo chuyên gia logistic Nguyễn Lý Trường An, 4 tháng gần đây, TP Hồ Chí Minh là địa phương siết quản lý phế liệu  nhập khẩu  mạnh nhất, thậm chí còn kiên quyết yêu cầu các hãng tàu xuất trả, các chủ hàng chịu trách nhiệm tái xuất hoặc tự tiêu hủy... nên bắt buộc DN phải chạy qua chỗ khác để nhập khẩu dẫn đến tình trạng phế liệu tăng đột biến tại các cảng khác, trong đó có cảng Bà Rịa-Vũng Tàu.
Phế liệu giấy tồn đọng tại cảng Cát Lái,TPHCM   Ảnh: Tuấn Nguyễn
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Danh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép, phế liệu  nhập khẩu về địa phương chủ yếu là sắt thép để phục vụ sản xuất của các DN trên địa bàn. Nếu họ có đầy đủ giấy tờ hợp lệ sẽ được hải quan cho thông quan.
Hiện Tổng cục Hải quan đã thông báo không giải quyết thủ tục nhập khẩu phế liệu qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt kể từ 1/10. Với lô hàng đã về đến cảng nếu đáp ứng đủ điều kiện về  bảo vệ môi trường thì giải quyết thông quan nhanh để tránh hàng hóa tồn đọng lâu tại các cảng biển.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, cơ quan Hải quan các cấp đã phát hiện hàng loạt vụ vi phạm và ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến các hành vi làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản của cơ quan nhà nước để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu  phế liệu. Điển hình như trường hợp của Cty TNHH Dịch vụ Thương mại XNK Đức Đạt (Ninh Bình); Cty TNHH Sản xuất Xây dựng Dịch vụ Thương mại Hồng Việt (Bến Tre); Công ty TNHH Yên Hùng tại TP. Hải Phòng; Công ty TNHH Bảo Phước...Đặc biệt, qua quá trình kiểm tra, giám sát, Hải quan phát hiện thủ đoạn cất giấu hàng hóa cấm nhập  trong các lô hàng phế liệu nhập khẩu. Gần đây nhất Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng phối hợp đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung phát hiện 8 tấn ngà voi, vẩy tê tê trong lô hàng khai báo là phế liệu.