Với sự hỗ trợ của các chuyên gia thần kinh đến từ Alabama (Hoa Kỳ), ca phẫu thuật cho kết quả tốt đẹp. Gia đình bệnh nhân cho biết, khi sinh ra cháu H. không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, đến 9 tháng cháu bị sốt không cao nhưng có cơn co giật và phải điều trị nội trú gần một tuần. Đến năm 2008, sau hai lần con lên cơn co giật chân, tay vào cùng một thời điểm trong ngày và tần suất cơn co giật tăng dần ngay cả khi trẻ không sốt, gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc bệnh lý về thần kinh. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, trẻ được chẩn đoán mắc động kinh và điều trị theo phác đồ. Nhưng 9 năm qua dù thay đổi rất nhiều các loại thuốc chống động kinh bệnh nhi vẫn không kiểm soát được cơn động kinh.
TS. Cao Vũ Hùng, Trưởng khoa Thần kinh cho biết, phẫu thuật điều trị động kinh là loại phẫu thuật chuyên khoa sâu, nhằm loại bỏ hoặc cô lập vùng não bị tổn thương. Cái khó của phẫu thuật động kinh là phải định khu được vùng sinh động kinh. Khi đã xác định được, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt đi vùng đó. Tuy nhiên, không phải trường hợp động kinh kháng thuốc nào cũng có thể tiến hành phẫu thuật.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bệnh động kinh nếu không kiểm soát được cơn co giật sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển, chất lượng sống của người bệnh. Người bệnh có thể gặp các tai nạn sinh hoạt, chấn thương do cơn giật gây nên. Cơn động kinh kéo dài có thể dẫn đến tổn thương não hoặc thậm chí gây tử vong. Do vậy, bệnh nhân mắc động kinh kháng thuốc cần phải được áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau như phẫu thuật, chế độ ăn kiêng…. trong đó, phẫu thuật là lựa chọn tốt với nhóm động kinh kháng thuốc.
Bác sĩ Lê Nam Thắng, Phó trưởng khoa Thần Kinh cho biết: “Thuận lợi của ca phẫu thuật này là các bác sĩ được sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ của các chuyên gia đến từ Alabama. Chúng tôi áp dụng kỹ thuật phẫu thuật kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não trong quá trình phẫu thuật. Điều này cho phép các bác sĩ xác định một cách chính xác, chi tiết hơn vị trí của vùng sinh động kinh, tránh phải phẫu thuật diện tích mô não lớn nhằm tiết kiệm cho bệnh nhi những vùng não thực sự còn lành lặn”.
Bác sĩ Lê Nam Thắng cho biết thêm, phẫu thuật động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não là một kỹ thuật rất phức tạp. Thành công của ca phẫu thuật đòi hỏi sự phối hợp chuẩn xác của cả ekip. Quá trình bóc tách và đặt điện cực trên bề mặt não đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm để tránh nguy cơ chảy máu trong mổ, vị trí đặt điện cực cần chuẩn xác để đánh giá được đúng nhất vị trí vùng sinh động kinh cần loại bỏ. Nhiệm vụ của các bác sĩ nội thần kinh là đọc bản ghi điện não ngay tại phòng mổ , chẩn đoán nhanh nhất và chính xác nhất vùng tổn thương. Trong khi đó, bác sĩ gây mê có vai trò đưa ra liều gây mê phù hợp nhằm bắt được sóng điện não chính xác nhất.
Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ đã cho kết quả thành công tốt đẹp. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ekip mổ, bệnh nhi không gặp những tai biến như: chảy máu trong mổ, nhiễm trùng sau mổ, cháu bé hồi tỉnh nhanh và được chuyển lên khoa theo dõi. Bệnh nhi chỉ lên cơn giật vào ngày đầu tiên sau mổ, từ ngày thứ 2 không còn xuất hiện cơn. Một tuần sau phẫu thuật, vận động của bệnh nhi có dấu hiệu phục hồi tốt. Sau phẫu thuật, bệnh nhi vẫn cần được tiếp tục theo dõi và điều trị.