Phẫu thuật bóc u buồng trứng có ảnh hưởng đến sinh con?

Con gái tôi phải phẫu thuật bóc u buồng trứng, liệu có ảnh hưởng tới việc có thai sau này không?
Ảnh minh họa: Internet

Hỏi:

 

Con gái tôi 20 tuổi, rất hay bị đau bụng dưới. Sau khi đi siêu âm ổ bụng, bác sĩ có chẩn đoán bị u nang buồng trứng trái, có dạng echo trống, thuộc dạng u bọc bì. Bác sĩ có dặn phải tái khám sau 3 tháng, cần tiếp tục theo dõi. Nếu phải mổ nội soi trong thời gian tới, liệu có ảnh hưởng tới việc có thai sau này không? (Trịnh Thanh, Hoàng Cầu, Hà Nội)

Trả lời: Phẫu thuật bóc u buồng trứng được thực hiện trên các khối u tân sinh của trứng, có khả năng lành tính, loại bỏ phần u và để lại phần mô lành với chức năng chế tiết hormone sinh dục. Để quyết định phẫu thuật, bác sỹ sẽ phải cân nhắc kỹ chẩn đoán trước khi mổ, đánh giá kỹ khối u, tránh để lại tổn thương có khả năng ác tính.

Tùy thuộc vào kích thước và tính chất của khối u mà bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật qua nội soi hoặc mổ hở.

- Nếu là u nang buồng trứng không tân sinh, nghĩa là nó sẽ biến mất sau 3-6 tháng. Sau tái khám vẫn thấy khối u tồn tại (khối u tân sinh), cần chỉ định mổ nhờ giải phẫu bệnh lý. Trường hợp con bạn, kết quả siêu âm khối u nang có dạng echo trống nên chỉ mổ lấy đi phần mô u và chừa lại phần mô lành. Nhờ thế, chức năng của buồng trứng mới được bảo tồn.

- Nếu là u quái (dạng u phát triển từ tế bào mầm): tùy theo mức độ biệt hóa có thể lành tính hay ác tính tùy theo thành phần mô không trưởng thành. Dạng u quái lành tính thường gặp là u bì (xoắn và vỡ khối u hiếm khi xảy ra nhưng có thể gây ra viêm phúc mạc cấp và phải mổ cấp cứu). Điều trị u bì là mổ nội soi bóc u ra khỏi phần mô buồng trứng lành do đó buồng trứng vẫn được bảo tồn nên ít có nguy cơ ảnh hưởng chức năng nội tiết và tạo trứng.

Trường hợp của con bạn siêu âm cho biết là u bọc bì. Để phân biệt các dạng u tế bào mầm khác có nguy cơ ác tính cao, cần làm thêm các xét nghiệm HCG, CA 125, AFP.

Theo Theo SKGĐ