Phát triển hạ tầng hàng không: 'Doanh nghiệp tư nhân làm nhanh, quyết liệt, không đội vốn'

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam đưa ra nhận định trên khi bàn về một số vấn đề quy hoạch và triển khai dự án nhằm tập trung khai thác tốt hơn không gian vũ trụ, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ hình thành 33 cảng hàng không. Ảnh minh họa: Sân bay Vân Đồn

Nhanh chóng quy hoạch mạng lưới sân bay

Thưa ông, thời gian gần đây cụm từ “khai thác mạnh mẽ không gian vũ trụ” thường được nhắc tới, chúng ta nên hiểu điều này như thế nào?

Mới đây tại lễ khởi công sân bay Gia Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Việt Nam cần tập trung khai thác không gian vũ trụ, khai thác không gian biển và khai thác không gian ngầm”.. Trong đó, khai thác không gian vũ trụ không chỉ là việc phóng tàu vũ trụ, thám hiểm các hành tinh mà ý nghĩa về mặt kinh tế chính là khai thác và vận hành tốt hạ tầng hàng không.

Việt Nam hiện có 22 sân bay, phục vụ 100 triệu hành khách mỗi năm; và sắp tới là 33 cảng hàng không theo quy hoạch đều được xác định dùng chung quân sự - dân dụng. Trong công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đã khẳng định vai trò quan trọng của mạng lưới cảng hàng không, điều này tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Dưới góc nhìn quy hoạch, tôi cho rằng hệ thống sân bay nước ta chưa lớn.

Với 63 tỉnh thành trải dài trên mảnh đất hình chữ S thì việc bổ sung sân bay kết nối giao thương, vận tải giữa các địa phương là cần thiết. Đặc biệt, sân bay mang ý nghĩa to lớn bởi có thể phục vụ lưỡng dụng, đáp ứng nhu cầu về quốc phòng cũng như phục vụ phát triển kinh tế. Bởi vậy, hàm ý của Thủ tướng khi nói “khai thác không gian vũ trụ” được hiểu là đầu tư hạ tầng sân bay, phát triển ngành hàng không. Việc phát triển mạng lưới sân bay là quan trọng và cần thiết.

KTS. Trần Ngọc Chính

Ông nhận định ra sao về triển vọng của kinh tế Việt Nam nếu chúng ta có thể khai thác mạnh mẽ không gian vũ trụ?

Đúng như Thủ tướng nói “Đất nước đang phát triển, dân số đông, đất hẹp nên phải khai thác tốt các không gian này thì mới phát triển được”. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng không gian vũ trụ, cụ thể là kinh tế hàng không nếu khai thác tốt sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn, là động lực tăng trưởng quan trọng. Nhìn rộng hơn, đầu tư cho hạ tầng giao thông được xem là mũi đột phá để tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Mà công tác quan trọng đầu tiên là quy hoạch tốt, sau đó kiếm tìm đối tác triển khai chất lượng, nhanh chóng và hiệu quả.

Như tôi biết, Hoa Kỳ - một quốc gia 345 triệu dân (quy mô dân số gấp 3 Việt Nam) lại có tới hơn 19.600 sân bay. Trong số này, gần 5.100 là sân bay công cộng, và hơn 14.500 sân bay tư nhân. Thống kê này dựa vào cách thức sử dụng sân bay, không tính đến quyền sở hữu. Đây là dẫn chứng cho thấy, ở quốc gia phát triển nhất thế giới, họ đã phát triển mạng lưới sân bay dày đặc. Gần đây, Trung Quốc bắt đầu phát triển nhanh và mạnh hệ thống sân bay, không chỉ phục vụ nhu cầu di chuyển, vận tải hàng hóa, mà còn phục vụ người sử dụng máy bay trực thăng, máy bay cá nhân…

Tương tự vậy, chúng ta cũng cần tính đến quy hoạch đón đầu hạ tầng giao thông, trong đó có mạng lưới các sân bay, cả dân dụng, chuyên dùng hay lưỡng dụng ở nhiều địa phương. Và khi đã có quy hoạch tốt mang tính bền vững và dài hạn thì đảm bảo tính hiệu quả cao, mang tới triển vọng về kinh tế.

Xét về các dự án đầu tư hạ tầng hàng không mới từ sau năm 1975 của nước ta thì còn rất hạn chế. Điểm sáng nhất trong những cảng hàng không xây mới là Sân bay quốc tế Vân Đồn. Sân bay được triển khai nhanh, chất lượng tốt, mang tính động lực cao. Điều ấn tượng là sân bay này do Tập đoàn Sun Group đầu tư và xây dựng. Một DN hoàn toàn mới trong lĩnh vực này nhưng vẫn làm được.

Cần hút “sếu đầu đàn” để chớp cơ hội phát triển

Ông đánh giá như thế nào khi doanh nghiệp tư nhân tham gia làm dự án sân bay?

Hiểu được vai trò “đi trước dẫn đường” của hạ tầng giao thông với sự phát triển kinh tế đất nước, nên trong những năm qua, không ít địa phương đã mời gọi khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng đường cao tốc, sân bay quy mô, khang trang, hiện đại. Điển hình phải kể đến Quảng Ninh, một địa phương có quy hoạch đô thị tốt cùng hệ thống giao thông Không – Thủy – Bộ hiện đại. Bản thân tôi khi tham dự sự kiện khánh thành Không – Thủy – Bộ của tỉnh Quảng Ninh gồm CHK Quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn vào cuối năm 2018, nhận thấy hiện nay tư nhân đã làm được những dự án rất khó, làm nhanh, hiệu quả và tính thẩm mỹ rất cao. Bộ ba về hạ tầng này có quy hoạch tốt, đạt chất lượng cao, và mang tính động lực lớn.

Phối cảnh minh họa sân bay Gia Bình – sân bay được Sun Group cam kết thi công trong 12 tháng

Riêng về sân bay, nhìn lại thời gian qua, việc đầu tư các cảng hàng không mới thường mất rất nhiều năm . Xét các dự án đầu tư hạ tầng hàng không mới từ sau năm 1975 của nước ta thì còn rất hạn chế. Điểm sáng nhất trong đó là là Sân bay quốc tế Vân Đồn ở Quảng Ninh. Đây là cảng hàng không mới do tập đoàn tư nhân đầu tư và xây dựng, đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Nhà ga cảng hàng không được thiết kế rất ấn tượng, mang ý nghĩa điểm chào đón thế giới của vùng đất Di sản Vịnh Hạ Long. Đặc biệt, thời gian triển khai chỉ 24 tháng cũng là kỷ lục, đòi hỏi đầu tư, quyết tâm lớn, nhất là trên một địa hình phức tạp, toàn đồi núi, sinh lầy của khu vực này trước đó.

Bên cạnh ý nghĩa khai thác kinh doanh hàng không, cảng hàng không này còn trở thành một sân bay giải cứu trong đại dịch Covid-19. Điều này mang ý nghĩa hết sức to lớn, và cho thấy sự kịp thời, kịp lúc của một sân bay được triển khai nhanh chóng, vận hành trơn tru, an toàn. Và cũng cho thấy năng lực đầu tư, xây dựng sân bay tư nhân của chủ đầu tư Sun Group.

Tới thời điểm hiện tại, cảng hàng không Vân Đồn đóng vai trò là sân bay du lịch, và tương lai là trung tâm logistics hàng hóa quan trọng của nước ta và Trung Quốc. Nhìn vào tương lai, xuất khẩu hải sản bằng hàng không từ sân bay Vân Đồn sẽ rất tiềm năng.

Làm thế nào để Việt Nam có thêm sân bay tư nhân triển khai nhanh, hiệu quả như vậy, thưa ông?

Mới đây, sân bay Gia Bình (tại Bắc Ninh) có nhà thầu là doanh nghiệp tư nhân (Sun Group - doanh nghiệp cũng triển khai đầu tư xây dựng CHK Quốc tế Vân Đồn) gây chú ý với cam kết xây xong một sân bay lưỡng dụng trong 12 tháng.

Tôi cho rằng, Sun Group là doanh nghiệp tư nhân nhưng có slogan “Làm đẹp những vùng đất”, có ước mơ, khát vọng, và quyết sách rất đúng đắn. Đối với sự phát triển, họ đặt mình trong sự phát triển của đất nước, đặc biệt là sự phát triển của du lịch Việt Nam. Và trong lĩnh vực hạ tầng, Sun Group đã chứng minh được năng lực của một nhà đầu tư lớn với tầm nhìn dài hạn. Dự án do Sun Group đầu tư được triển khai nhanh, hiệu quả, tối ưu chi phí và đạt chất lượng tốt. Minh chứng chính là 3 công trình Không - Thủy - Bộ tại Quảng Ninh kể trên. Đây đều là những dự án khó, quy mô lớn, đẳng cấp xứng tầm quốc tế.

Phối cảnh nhà ga sân bay Gia Bình

Có lẽ bởi vậy, mà doanh nghiệp này tiếp tục được Chính phủ và Bộ Công An chọn làm nhà thầu xây dựng Sân bay Gia Bình. Đây sẽ tiếp tục là “lửa thử vàng” đối với Sun Group. Ngược lại, nếu thành công đúng với cam kết về tiến độ trong vòng 12 tháng và đạt chất lượng tốt, dự án sẽ tiếp tục củng cố niềm tin với năng lực của Sun Group nói riêng và doanh nghiệp tư nhân nói chung trong đầu tư hạ tầng và các dự án trọng yếu quốc gia.

Sau khi hoàn thành, với vị trí chiến lược cách không xa Thủ đô Hà Nội, sân bay Gia Bình rất có thể sẽ trở thành sân bay chuyên đón các nguyên thủ quốc gia, tương tự như sân bay Orly, Paris (Pháp), hay sân bay Vnukovo, Moscow của Nga. Cũng vì lẽ đó, sân bay Gia Bình cần được gấp rút triển khai đảm bảo tiến độ nhanh chóng và kịp thời.

Ngược lại, về phía Chính phủ, sẽ cần cơ chế, điều kiện gì để khối tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng, thưa ông?

Thời gian qua, khối tư nhân đã chứng minh năng lực trong việc phát triển dự án hạ tầng trọng điểm. Các công trình được triển khai nhanh, quyết liệt, đặc biệt không đội vốn, thể hiện tinh thần chống lãng phí, tiết kiệm nguồn lực to lớn cho đất nước.

Doanh nghiệp tư nhân có khả năng làm tốt những nhiệm vụ quan trọng để kiến thiết quốc gia. Vậy, hiển nhiên, theo tôi Chính phủ cần có những chính sách thu hút đầu tư như ưu đãi về chính sách vay vốn, cơ chế chính sách phù hợp yêu cầu phát triển chung, hài hòa của cả đất nước, doanh nghiệp và người dân.

Ở đây quy hoạch đóng vai trò quan trọng. Khi đã có luật rõ ràng, quy hoạch đi trước, doanh nghiệp có thể đứng ra đề xuất tham gia dự án. Theo tôi, các chính sách này sẽ được đề xuất phù hợp với từng dự án và từng bối cảnh. Tuy nhiên, cần được nghiên cứu sớm tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông nói chung, sân bay nói riêng để có thể tạo được sự đột phá về hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.