Phát tán tin nhắn rác, chiếm đoạt hơn 23 tỷ đồng

TP - Công an quận Đống Đa (Hà Nội) phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) vừa bắt giữ 11 đối tượng phát tán tin nhắn rác lừa đảo các thuê bao di động, chiếm đoạt phí dịch vụ lên tới 23 tỷ đồng. 
Hàng triệu nạn nhân sử dụng điện thoại di động bị “móc túi” từ tin nhắn rác. Ảnh: Minh Đức

Thủ đoạn của các đối tượng là dùng sim rác gửi tin nhắn thông báo giả mạo trúng thưởng đến các thuê bao để nhận lại tin nhắn xác nhận với mức phí từ 15 đến 30.000 đồng/tin nhắn.

Theo đó, ngày 13/6, Ban chuyên án bắt giữ Lê Ngọc Tiến (ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội), kẻ đã thuê người, mua sắm trang thiết bị thành lập 3 Cty: Vvas, Vcontent và Bắc Đại Dương, sau đó dùng các đầu số 7768 và 7777 của các nhà cung cấp dịch vụ di động Vinaphone, Mobifone, Viettel để phát tán tin nhắn lừa đảo. Trước khi gây án, Tiến là nhân viên một Cty phần mềm.


Khám nhà Tiến, công an thu giữ nhiều thiết bị phát tán tin nhắn lừa đảo gồm máy tính xách tay, máy để bàn, nhiều bộ Hub (thiết bị để cắm USB 3G và sim điện thoại), hàng chục USB 3G và hơn 9.000 sim điện thoại. Quá trình điều tra cho thấy, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014, Cty Vvas, Vcontent đã phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo từ các đầu số trên với 27 cú pháp, chiếm đoạt khoảng 22 tỷ đồng của các thuê bao di động. Số tiền trên Tiến ăn chia với các nhà mạng theo tỷ lệ từ 45-55%.

Tương tự thủ đoạn trên, Trần Ngọc Hùng (ở phố Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) bị bắt để điều tra về việc thành lập các Cty Thiên Ngân, Cty Thiên Hà (trụ sở tại ngõ 37 Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phát tán tin nhắn lừa đảo. Bước đầu, cơ quan công an xác định, từ 1/5 đến 13/6, Hùng cùng các đối tượng thuộc Cty Thiên Ngân, Thiên Hà đã phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn với 83 cú pháp lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Mở rộng điều tra, công an bắt giữ thêm Nguyễn Ngọc Quyết cùng 7 đối tượng đang phát tán tin nhắn rác lừa đảo cho Cty Thiên Ngân, thu giữ hàng chục bộ thiết bị phát tán tin nhắn rác, hàng nghìn sim điện thoại, nhiều máy tính và USB 3G. Tổng cộng, công an đã khởi tố 11 bị can, bắt tạm giam 5 bị can là giám đốc, kế toán, kỹ thuật viên, nhân viên kinh doanh của 5 Cty trên, về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng Công an quận Đống Đa, cho biết, Công an quận đang tiếp tục phối hợp với C50 điều tra mở rộng vụ án và thông tin cảnh báo tới người dân sử dụng điện thoại di động.

Nhà mạng có trách nhiệm hoàn tiền?

“Nếu các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các tin nhắn rác, xác định nhà mạng là đơn vị trực tiếp thu tiền từ nạn nhân, sau đó chia lại một phần cho đối tượng lừa đảo, thì số tiền ăn chia nhà mạng được hưởng cũng là số tiền nạn nhân bị chiếm đoạt. 

Theo quy định tại Điều 53, Điều 54 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhà mạng sẽ trở thành bị đơn dân sự hoặc là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, có trách nhiệm hoàn trả tiền cho các nạn nhân. Vụ việc này cũng là một ví dụ để các nhà làm luật nghiên cứu bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân”

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc)