Phát hiện sớm 4 loại ung thư phụ khoa nguy hiểm

Theo BS. Lê thị Kim Dung - Trung tâm Y tế Thái Hà, Hà Nội: Các bệnh ung thư phụ khoa sau cần biết cách nhận biết, yếu tố nguy cơ, làm các xét nghiệm để phát hiện sớm và có những xử lý kịp thời để tránh những điều đáng tiếc xảy ra cho chị em:
Ảnh minh họa: Internet

1. Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh mà những tế bào ung thư ác tính xuất hiện trong mô cổ tử cung, thường phát triển chậm. Trước khi phát hiện ra tế bào ung thư ở cổ tử cung, các mô ở cổ tử cung trải qua những thay đổi trong đó các tế bào bất thường bắt đầu xuất. Do ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng, bác sĩ phải tiến hành xét nghiệm hàng loạt để tìm bệnh.

Hiện nay, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung xét nghiệm đơn giản hơn được gọi là nghiệm pháp Pap, không đau để phát hiện ra những tế bào bất thường ở trong và xung quanh cổ tử cung. Ngoài nghiệm pháp Pap, còn có phương pháp mới nhất là phương pháp sử dụng hệ thống Bethesda. Những thay đổi được mô tả theo SIL mức độ thấp hoặc là SIL mức độ cao. Chị em nên nên đề nghị bác sỹ giải thích hệ thống mô tả kết quả cho nghiệm pháp Pap của họ.

Chị em nên đi khám định kỳ. Xét thấy có dấu hiệu ung thư cổ tử cung nên đi chuẩn đoán, xét nghiệm để xác định bệnh.

2. Ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung thường xuất hiện sau tuổi mãn kinh với triệu chứng phổ biến nhất là ra máu âm đạo bất thường. Chảy máu lúc đầu dưới dạng loãng có những vệt máu sau đó số lượng máu sẽ tăng dần. Chị em nên đi khám sớm nếu thấy xuất hiện một trong số các triệu chứng sau: Chảy dịch, chảy máu âm đạo bất thường, đi tiểu khó hoặc đau, đau khi giao hợp, đau vùng chậu hông, những triệu chứng này cũng có thể do một số bệnh khác ít nguy hiểm hơn gây ra, nhưng nên đi khám vì chỉ có bác sĩ mới có kết luận chính xác.

Dưới đây là các biện pháp khám và xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán phát hiện sớm ung thư nội mạc tử cung:
- Khám tiểu khung: để kiểm tra âm đạo, tử cung bàng quang và trực tràng. Bác sĩ sẽ sờ nắn để phát hiện khối u hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước nếu có. Để có thể quan sát phần trên của âm đạo và cổ tử cung, bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ gọi là mỏ vịt vào trong âm đạo.

- Siêu âm qua đường âm đạo: Bác sĩ đưa một dụng cụ vào trong âm đạo, dụng cụ này phát ra sóng siêu âm hướng về phía tử cung, sau khi đi qua các cơ quan, sóng siêu âm dội trở lại và tạo hình ảnh được ghi lại trên máy. Nếu phát hiện lớp nội mạc tử cung dầy, bác sĩ có thể sẽ bấm sinh thiết

- Sinh thiết: là thủ thuật lấy ra một mẫu tổ chức nội mạc tử cung để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý để tìm tế bào ung thư, quá sản hay các bệnh khác. Trong một số trường hợp, bác sĩ phải tiến hành nạo buồng tử cung. Việc nạo buồng tử cung phải thực hiện dưới gây mê và sẽ gây chảy máu đôi chút.

3. Ung thư âm đạo

Ung thư âm đạo là một loại ung thư hiếm gặp, hình thành trong các tế bào âm đạo của phụ nữ. Trong giai đoạn đầu, bệnh này thường không có bất kỳ triệu chứng gì đáng chú ý nên rất khó chẩn đoán. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Do đó, thói quen thường xuyên làm các xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung (Pap smear) sẽ giúp chị em sớm phát hiện ra bệnh nếu chẳng may bị mắc phải.

Các triệu chứng phát hiện sớm ung thư âm đạo bao gồm:

- Chảy máu âm đạo bất thường: Chảy máu âm đạo bất thường sau khi quan hệ tình dục hoặc ở những phụ nữ đã mãn kinh là triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất.

- Tiết dịch âm đạo: Mặc dù dịch âm đạo là hiện tượng phổ biến thường gặp ở nhiều chị em và cũng không cần quá quan tâm, nhưng dịch âm đạo bất thường, có mùi khó chịu hoặc có màu máu, lẫn với máu lại có thể là triệu chứng của ung thư âm đạo.

- Thay đổi thói quen đi tiểu: Nếu nhận thấy là mình đi tiểu nhiều hơn bình thường thì chị em cần tìm hiểu nguyên nhân của nó. Hiện tượng này có thể do uống nhiều nước, uống đồ uống có caffein, hoặc do nhiễm trùng đường tiểu...

- Đau vùng chậu: Khung chậu đau thường là khi bệnh ung thư âm đạo đã bắt đầu lây lan. Đau vùng chậu có thể là đau hay cảm thấy áp lực và tức ở vùng bụng dưới rốn. Bạn có thể cảm thấy đau liên tục hoặc thi thoảng mới đau. Nhiều phụ nữ bị đau vùng chậu một cách âm ỉ, có lúc đau quặn lên.

- Rối loạn tiêu hóa: Là nguyên nhân của nhiều bệnh trong đó có ung thư âm đạo. Khi ung thư âm đạo tiến triển, phụ nữ có thể bị táo bón mạn tính, phân đen mùi khó chịu và có cảm giác như thể ruột chưa được hoàn toàn thông sau khi đi ngoài.

4. Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng thường không có các dấu hiệu hoặc các triệu chứng cho đến tận giai đoạn phát triển muộn của chúng. Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể gồm: khó chịu và/hoặc đau ở vùng bụng nói chung (ấm ách, khó tiêu, căng trướng bụng...); buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc đi tiểu thường xuyên; kém ăn; cảm thấy đầy bụng ngay cả sau bữa ăn nhẹ; tăng hoặc giảm cân không rõ lý do; chảy máu âm đạo bất thường.

Để phát hiện bệnh sớm, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán. Một số thăm dò và xét nghiệm chẩn đoán hữu ích được trình bày dưới đây:
Khám vùng chậu: bao gồm khám tử cung, âm đạo, buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang và trực tràng để phát hiện ra bất thường về hình dạng và kích thước của những bộ phận này.
Siêu âm: là phương pháp sử dụng sóng âm có tần số cao. Tai người không thể nghe được những sóng âm này. Sóng âm được hướng vào buồng trứng và dội lại tạo hình ảnh siêu âm. Mô lành, u nang và khối u biểu hiện khác nhau trên ảnh siêu âm.
Xét nghiệm CA-125: là một xét nghiệm máu để đo nồng độ CA-125, một chất chỉ điểm khối u xuất hiện với một lượng cao hơn bình thường trong máu của những phụ nữ bị ung thư buồng trứng.

Thụt baryt: là phương pháp chụp X-quang đại tràng và trực tràng. Phim được chụp sau khi bệnh nhân được thụt một dung dịch như phấn trắng có chứa bari. Bari hiển thị hình ảnh đại tràng và trực tràng trên tia X-quang, làm cho khối u và những khu vực bất thường khác dễ quan sát hơn.
Chụp cắt lớp vi tính: là phương pháp sử dụng một máy X-quang nối với máy vi tính để chụp chi tiết những bộ phận bên trong cơ thể.
Sinh thiết: là phương pháp lấy mô để quan sát dưới kính hiển vi. Bác sĩ giải phẫu bệnh nghiên cứu mô và đưa ra chẩn đoán.

Theo SKGD