Phát hiện mặt trăng thứ tư của sao Diêm Vương

Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo, kính viễn vọng không gian Hubble đã phát hiện thấy một mặt trăng thứ tư quay quanh sao Diêm Vương. Các nhà khoa học phỏng đoán mặt trăng này chỉ có đường kính khoảng từ 12 đến 33km.

Phát hiện mặt trăng thứ tư của sao Diêm Vương

> Sao Diêm Vương có thêm 'anh em'

Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo, kính viễn vọng không gian Hubble đã phát hiện thấy một mặt trăng thứ tư quay quanh sao Diêm Vương. Các nhà khoa học phỏng đoán mặt trăng này chỉ có đường kính khoảng từ 12 đến 33km.

Hình ảnh mô phỏng của sao Diêm Vương và các mặt trăng của nó.
Ảnh: Daily Mail.

Trong khi quan sát sao Diêm Vương bằng kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà khoa học của NASA đã phát hiện một thiên thể nhỏ quay quanh hành tinh băng giá này. Các nhà khoa học đã tạm thời gọi vệ tinh mới được phát hiện này là P4.

P4 là mặt trăng thứ tư và nhỏ nhất của sao Diêm Vương với đường kính ước tính khoảng từ 12 đến 33 km. Trong khi đó, mặt trăng lớn nhất của sao Diêm Vương là Charon, có đường kính lên tới 1.208km. Hai mặt trăng còn lại của hành tinh băng giá là Nix và Hydra, lần lượt có đường kính là 90km và 113km.

“Hệ thống camera của kính viễn vọng không gian Hubble đã giúp chúng tôi phát hiện thấy một thiên thể nằm cách xa Trái đất 4,8 tỷ km. Đây là một điều vô cùng đặc biệt”, tiến sĩ Mark Showalter thuộc Viện SETI ở California (Mỹ), người đứng đầu chương trình quan sát bằng kính viễn vọng không gian Hubble, cho biết trên Daily Mail.

Chương trình quan sát bằng kính viễn vọng không gian Hubble là một phần nằm trong kế hoạch nhằm hỗ trợ tàu thăm dò New Horizons của NASA trong sứ mệnh tiếp cận gần sao Diêm Vương và các mặt trăng của hành tinh này vào năm 2015. Vì thế, việc phát hiện thêm một vệ tinh của hành tinh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sứ mệnh New Horizons.

“Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng”, tiến sĩ Alan Stern, người đứng đầu chương trình tàu thăm dò New Horizons, nhận định.

“Nhờ phát hiện này, chúng tôi biết có thêm một mặt trăng nữa quay quanh sao Diêm Vương. Điều này giúp chúng tôi có thể lên kế hoạch chi tiết hơn cho sứ mệnh khám phá hành tinh này”.

Dự kiến, tàu thăm dò New Horizons sẽ bay tới sao Diêm Vương vào tháng 7-2015. Các thiết bị trên tàu thăm dò này sẽ tiến hành thu thập thông tin và vẽ bản đồ bề mặt, cấu tạo vật chất và bầu khí quyển của hành tinh băng giá này và các vệ tinh của nó.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh thăm dò sao Diêm Vương, tàu thăm dò New Horizons sẽ tiếp tục cuộc hành trình thăm dò các thiên thể khác trong vành đai Kuiper – một vùng của vũ trụ chứa rất nhiều thiên thể bị đóng băng sau khi Hệ mặt trời hình thành.

Theo Hà Hương
VietNamNet

Theo Tổng hợp