Các nhà nghiên cứu đã xác định và phân ra 4 mốc thời gian dựa vào sự thay đổi của mật độ dân số và sự biến đổi rõ rệt của khí hậu lúc bấy giờ là: 1350-950 trước Công nguyên, 400-210 trước Công nguyên, 90-280 sau Công nguyên và 730-900 sau Công nguyên. Thông qua các mẫu vật, cụ thể là phân của người cổ đại họ đã phát hiện quy mô về sự thay đổi của cộng đồng người Maya qua quá trình biến đổi khí hậu.
Những mẫu vật này được tìm thấy tại thành phố Itzan cổ (thuộc nước Cộng hoà Guatemala ngày nay). Điều này cho thấy con người đã sinh sống tại đây sớm hơn khoảng 650 năm so với các bằng chứng khảo cổ đã đưa ra trước đó. Tuy chỉ là một thành phố nhỏ, nhưng Itzan được các nhà khảo cổ học cực kỳ xem trọng bởi những tàn tích của quá khứ.
Nhà sinh vật học Benjamin Keenan của trường Đại học McGill, Canada chia sẻ: “Những nghiên cứu mới này sẽ cung cấp cho chúng ta một số thông tin về người Maya cổ đại mà ta không thể tìm thấy chúng ở bất kỳ một dấu tích khảo cổ nào. Vì người Maya thường sinh sống ở những vùng đất trũng trong các khu rừng nhiệt đới, nơi không thích hợp cho việc bảo tồn các công trình kiến trúc và tư liệu quan trọng.”
Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tách stanol – các phân tử hữu cơ trong phân người và động vật. Stanol này thường tìm thấy trong các lớp trầm tích dưới sông hồ, có niên đại đến hàng nghìn năm. Cho đến nay, Stanol đã được chứng minh là chỉ số quan trọng để xác định về số lượng người đã sinh sống tại một địa điểm nhất định.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn đối chiếu các dữ liệu vừa thu được và dữ liệu về khí hậu trong quá khứ, cụ thể là: Độ ẩm, lượng mưa, mật độ phấn hoa (lớp phủ thực vật) trong hồ sơ địa chất của vùng đất này. Số liệu về Stanol được chiết xuất trong lớp trầm tích tại một hồ nước gần với thành phố Itzan cổ đã cho thấy sự dịch chuyển dân số của người cổ đại có quan hệ mật thiết với việc biến đổi khí hậu trong quá khứ.
Kết quả của phương pháp phân tách stanol cho thấy sự gia tăng dân số bất ngờ vào khoảng năm 1697 khi người Tây Ban Nha tấn công vào thành trì Maya cuối cùng ở khu vực lân cận thành phố cổ Itzan. Đây có thể là một cuộc tấn công, trận chiến tị nạn mà các nhà sử học chưa hề ghi lại.
Tuy nhiên, cũng có vài địa điểm đã tìm thấy chỉ số stanol quá cao, không hề phù hợp với khối lượng các stanol trong phân được phục hồi. Các nhà nghiên cứu cho rằng người Maya cổ đã biết sử dụng phân người và động vật để làm phân bón cho cây trồng.
Các stanol trong phân người cổ đại có vai trò quan trọng trong việc chỉ rõ sự thay đổi của quần thể người Maya. Đồng thời cũng cung cấp những dữ liệu quan trọng về việc người cổ đại sử dụng và cải tạo đất.