Các nhà khoa học hy vọng, việc nghiên cứu những con chó này sẽ giúp con người rút ra bài học về cách sống sót trong những môi trường khắc nghiệt nhất.
Nhóm nghiên cứu đã đăng bài viết đầu tiên trên tạp chí chuyên ngành Science Advances, nói về 302 con chó hoang sống trong “vùng cấm” quanh nhà máy Chernobyl. Họ phát hiện ra rằng, mức độ phơi nhiễm phóng xạ khác nhau khiến những con chó đó có bộ gien khác nhau và không giống những con chó khác trên thế giới.
“Chúng tôi có được cơ hội vàng này” để có thể trả lời một câu hỏi quan trọng: Làm sao để sống sót trong môi trường khắc nghiệt như vậy trong 15 thế hệ”, nhà khoa học nghiên cứu về gien Elaine Ostrander, công tác tại Viện Nghiên cứu hệ gien người quốc gia, cho biết. Ostrander là một trong các tác giả tham gia nghiên cứu.
Tim Mousseau, giáo sư sinh học tại ĐH Nam Carolina và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết, những con chó này “mang lại một công cụ tuyệt vời để xem xét tác động của môi trường như vậy” lên động vật có vú nói chung.
Môi trường ở Chernobyl khắc nghiệt hơn cả. Ngày 26/4/1986, vụ nổ lớn và hỏa hoạn tại nhà máy điện hạt nhân của Ukraine đẩy một đám mây phóng xạ lớn vào khí quyển. 30 công nhân thiệt mạng gần như ngay lập tức, nhưng tổn thất lâu dài vì ô nhiễm phóng xạ ước tính lên đến hàng ngàn người.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hầu hết những con chó mà họ đang nghiên cứu là hậu duệ của những con vật mà người dân ở khu vực đã nuôi nhưng không mang theo trong lúc sơ tán.
Mousseau làm việc ở vùng Chernobyl từ cuối những năm 1990 và bắt đầu thu nhập mẫu máu chó từ năm 2017. Một số con chó sống trong nhà máy điện hoặc ở khu vực cách 15 – 28km.
Ban đầu, Ostrander nghĩ rằng đàn chó sống cùng nhau trong thời gian dài, nên chúng giống nhau, nhưng sau đó phát hiện DNA của chúng khác nhau, tùy thuộc khu vực chúng sống có hàm lượng phóng xạ cao, thấp hay trung bình.
Phát hiện này khiến nhóm nghiên cứu kinh ngạc. Hiện nay, họ bắt đầu nghiên cứu những biến đổi trong ADN.
“Chúng tôi có thể so sánh để xem chúng khác nhau như thế nào, cái gì bị thay đổi, cái gì đã đột biến, cái gì tốt và cái gì ảnh hưởng xấu đến di truyền”, Ostrander cho biết.
Nhóm nghiên cứu cho rằng công trình này có thể dẫn đến nhiều ứng dụng, giúp hiểu sâu sắc về cách động vật và con người có thể sống ở những khu vực thường xuyên gặp vấn đề môi trường trên Trái đất và môi trường phóng xạ cao trong vũ trụ.