Phan Văn Anh Vũ không muốn biệt danh 'Vũ nhôm', doạ kiện DN Nhà nước

TP - Bị cáo cho rằng cha mẹ đã đặt tên cho mình là Phan Văn Anh Vũ nên cần tôn trọng, gọi “Vũ nhôm” gây cảm giác như bị cáo là tội đồ. Ông Vũ nói thêm nếu bị kết tội sẽ kiện các doanh nghiệp nhà nước đã bán đất cho mình.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ trước tòa Ảnh: Như Ý

Phủ nhận quan hệ với lãnh đạo

Ngày 4/1, TAND TP Hà Nội xét hỏi Phan Văn Anh Vũ để làm rõ hành vi thâu tóm 22 nhà đất và 7 dự án bất động sản tại Đà Nẵng, gây thiệt hại hơn 22.047 tỷ đồng. Trả lời HĐXX, bị cáo Vũ cho biết bản thân là Chủ tịch các Cty Xây dựng 79 và Xây dựng Bắc Nam 79 và nắm cổ phần chi phối tại 3 doanh nghiệp khác có tính gia đình. Các doanh nghiệp của Vũ chuyên mua đi bán lại dự án bất động sản để kiếm lợi nhưng không bao giờ mua tài sản bất hợp pháp.

Bị cáo này cũng cho rằng cáo trạng truy tố mình không đúng: “Để mua các dự án, tôi ký đơn hoặc công ty có tờ trình gửi UBND, giải quyết hay không là thẩm quyền của UBND... Số liệu về nhà đất trong cáo trạng đúng nhưng tiền hoa hồng, tiền trước tiền sau là không đúng. Tôi không có quan hệ với lãnh đạo thành phố” - Vũ trình bày. Chủ tọa thông báo một số bị cáo khai bán đất cho doanh nghiệp của Vũ vì có điện thoại của lãnh đạo thành phố yêu cầu. Đáp lại, Phan Văn Anh Vũ nói: “Khai gì cũng phải có chứng cứ, tôi không hiểu tại sao các anh chị lại khai như vậy”.

Tiếp đến, ông Vũ được yêu cầu trả lời về việc mua nhà đất công sản phải thông qua đấu giá? Bị cáo đáp: “Luật đất đai rất phức tạp, bị cáo thấy có chủ trương bán, giá cả hợp lý thì mua còn trách nhiệm nếu có thuộc về bên bán. Tôi mà bị xác định có tội sẽ khởi kiện các Cty đã bán nhà cho bị cáo để bị cáo phải vào vòng lao lý. Viện kiểm sát bảo vệ bên bán phải bảo vệ thêm bên mua. Bị cáo chỉ bên mua, anh bán phải chịu trách nhiệm”.

Tiếp đến, ông Vũ xin trình bày về việc bị tịch thu 29 nghìn đô la Singpore, 1 đồng hồ Rolex rất nhiều điện thoại và máy tính xách tay... nhưng việc này không được ghi vào cáo trạng. Bị cáo này cũng chia sẻ ngày 4/1 là tròn 2 năm mình bị giam giữ khi về nước: “Bị cáo không nhận quyết định truy nã nào và cũng không bị bắt. Bị cáo sang Singapore xem tivi thấy ở nhà bị khám xét nên tự vào đồn công an Singapore bảo họ đưa về trình diện”.

Đáng chú ý, thẩm phán công bố đơn của bị cáo trong đó có nội dung đề nghị không được gọi mình là “Vũ nhôm” và phải bỏ từ này ra khỏi cáo trạng vì như vậy khiến báo chí đưa tin theo gây hiểu nhầm cho dư luận. Ông Vũ nói tại tòa: “Cha mẹ đặt tên cho bị cáo là Phan Văn Anh Vũ, gọi bị cáo Vũ “nhôm” giống như tội đồ”.  Trước việc này, thẩm phán Trần Nam Hà quyết định: “Đề nghị các cơ quan báo chí đưa tin trung thực, tôn trọng quyền cá nhân của bị cáo theo đúng Luật Báo chí và Luật An ninh mạng”.

Sai phạm mang tính... sáng tạo

Tham gia xét hỏi, đại diện VKSND cho rằng tất cả các bị cáo là cấp dưới của Trần Văn Minh – nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng (giai đoạn 2006 – 2011) đều thừa nhận sai phạm, riêng ông Minh nói đã làm đúng quy định nhưng thực tế các bị cáo đã vi phạm Nghị định 61/1994 về mua bán nhà ở. Trả lời, ông Trần Văn Minh khẳng định các nhà đất công sản không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 61/1994, nó được quy định tại Nghị định 38/2000.

Kiểm sát viên giải thích, Nghị định 38 áp dụng cho Luật Đất đai năm 1993 và đã hết hạn trong khi các bị cáo bán nhà sau năm 2004 nên chịu điều chỉnh của Luật Đất đai năm 2003. Nguyên Chủ tịch Đà Nẵng trình bày: “Sau Nghị định 38, Đà Nẵng có Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế cho Đà Nẵng... Nếu cắt ngang quyết định 13 của Thủ tướng là bỏ đi sự sáng tạo của Đà Nẵng”.

Được hỏi về việc giảm 10% phí chuyển từ đất kinh doanh sang đất ở, bị cáo Minh khai chủ trương này có từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm chủ tịch UBND Đà Nẵng. Bị cáo nói: “Khi Thanh tra Chính phủ vào đã khẳng định việc giảm 10% này là vi phạm. UBND và Thành ủy có văn bản giải trình gửi Bộ Chính trị, Chính phủ… Bộ Chính trị lập đoàn vào xem xét và sau đó Uỷ ban kiểm tra có báo cáo thể hiện có một số sai sót nhưng một phần thể hiện sự sáng tạo, mang lại hiệu quả...”.

Cũng tại tòa, bị cáo Văn Hữu Chiến – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2011 – 2014) bị xét hỏi về việc giao 29 ha đất ở khu Đô thị mới Quốc tế Đa Phước cho Phan Văn Anh Vũ, gây thiệt hại hơn 11.200 tỷ đồng. Giải thích việc này, ông Chiến cho hay việc ký căn cứ vào thoả thuận nguyên tắc giữa Đà Nẵng với tập đoàn Daewon của Hàn Quốc ký năm 2006.

Kiểm sát viên đặt câu hỏi: “Việc áp đơn giá năm 2006 cho đất giao năm 2011, có đúng quy định không?”. Ông Chiến trả lời, do thị trường bất động sản thời điểm đó “đóng băng” và ngoài ra phải tuân thủ thỏa thuận đã ký với Daewon. Cựu Chủ tịch trình bày: “Lúc đó tất cả UBND, HĐND đều dựa vào thỏa thuận, hợp đồng đó. Trong thời kỳ này, cả thành phố như một đại công trường, không thể kiểm tra từng ngôi nhà được...”.

Đại diện Viện kiểm sát ngắt lời, nói: “Hôm qua bị cáo trình bày rồi nhưng muốn thu thêm ngân sách tại sao không thu theo giá hơn 4.700 tỷ đồng như của Hội đồng định giá trung ương kết luận lại thu 300 nghìn đồng/m2 để rồi ngân sách chỉ nhận được 87 tỷ đồng?”. Ông Chiến đáp: “Tất cả đều trình ký theo giá thỏa thuận 300 nghìn đồng. Tháng 2/2011, Chủ tịch (lúc đó là bị cáo Trần Văn Minh) có văn bản theo giá này và đây là người có thẩm quyền, bị cáo chỉ ký theo phân công.