Phân khúc SUV cỡ B ngày càng sôi động

TPO - Cuộc cạnh tranh vốn đã rất “nóng” ở phân khúc SUV cỡ B tại Việt Nam sẽ còn trở nên sôi động hơn trong tương lai bởi sự xuất hiện của những gương mặt mới.

Theo số liệu từ báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 7 vừa qua tiếp tục có sự khởi sắc với doanh số tăng 9% so với tháng 6 và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, SUV cỡ B tiếp tục là phân khúc nóng nhất thị trường khi hầu hết các mẫu xe tại đây đều ghi nhận lượng tiêu thụ tăng trưởng trong tháng 7, qua đó bám đuổi sát sao nhau trong cuộc đua doanh số.

TT
Mẫu xe

Doanh số tháng 7

Doanh số tháng 6

Tăng trưởng

Cộng dồn 2024

1

1.748

948

84%

5.638

2

1.242

811

53%

4.992

3

686

686

0%

3.500

4

682

237

188%

3.116

5

Toyota Corolla Cross

671

661

2%

2.699

6

526

587

-10%

3.133

7

Mazda CX-3

262

190

38%

1.265

8

Mazda CX-30

130

92

41%

804

Dẫn đầu phân khúc là hai cái tên Mitsubishi Xforce và Toyota Yaris Cross với doanh số lần lượt là 1.748 và 1.242 xe. Tân binh nhà Mitsubishi thể hiện tốt hơn không chỉ ở doanh số tháng mà còn là lượng tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm, với 5.638 xe so với 4.992 của Yaris Cross.

Tân binh Xforce trở thành chủ lực mới của Mitsubishi bên cạnh Xpander.

Đáng nói, Xforce mới chỉ giao xe từ tháng thứ 3 nên việc mẫu xe này vươn lên dẫn đầu phân khúc càng trở nên ấn tượng hơn. Tân binh của Mitsubishi được đánh giá cao bởi thiết kế trẻ trung, khỏe khoắn, trang bị phong phú và hơn hết là mức giá hấp dẫn từ 599-705 triệu đồng.

Ở nhóm giữa, những mẫu xe Hàn Quốc đang tỏ ra đuối hơn so với xe Nhật. Thể hiện qua việc Huyndai Creta (686 xe) và Kia Seltos (526 xe) là hai cái tên duy nhất trong phân khúc có doanh số không tăng.

Trong khi đó, Honda HR-V (682 xe) dù ghi nhận mức tăng lên tới 188% nhưng kết quả này có được là do doanh số tháng trước quá thấp. Toyota Corolla Cross (671 xe) tăng nhẹ 2% nhưng rõ ràng không đủ để tạo đà cho mẫu xe này vươn lên vị trí cao hơn.

Honda HR-V có giá bán cao nhất phân khúc (699-871 triệu đồng) nên thường bị phụ thuộc vào chương trình khuyến mãi của hãng để kéo doanh số.

Xếp cuối bảng như thường lệ vẫn là bộ đôi Mazda CX-3 và Mazda CX-30 với doanh số lần lượt là 262 và 130 xe. Trong đó Mazda CX-30 là mẫu SUV cỡ B duy nhất có doanh số cộng dồn từ đầu năm dưới 1.000 chiếc. Điều đó nghĩa trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng hơn 110 chiếc CX-30 được bàn giao tới tay khách hàng.

Thị trường xe gầm cao cỡ B dự kiến sẽ còn sôi động hơn nữa trong phần còn lại của năm 2024 với sự xuất hiện của tân binh Lynk & Co 06 ra mắt tháng 6, trong khi những cái tên từ Trung Quốc khác như Omoda C5 hay Haval Jolion chuẩn bị đổ bộ làng xe Việt.

Mới đây nhất, các đại lý Subaru tại Việt Nam cho biết sắp đưa về bán mẫu xe gầm cao cỡ nhỏ Crosstrek. Như vậy trong tương lai gần, phân khúc SUV cỡ B tại Việt Nam sẽ đón ít nhất 3 tân binh.

Sự gia tăng cạnh tranh trong phân khúc SUV cỡ B ngày càng "chật chội" sẽ đẩy cuộc đua giữa các nhà sản xuất lên cao. Khi đó khách hàng sẽ là bên hưởng lợi khi có nhiều mẫu mã để lựa chọn, giá cả lại hấp dẫn do các hãng liên tục phải đua giảm giá để giành thị phần và kéo doanh số.