> Vì sao giáo dục phổ thông cần 12 năm?
> Dạy và học nghề phổ thông: Học mãi… vẫn bằng 0
Phân ban Thất bại: trách nhiệm Bộ GD&ĐT
Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, theo đánh giá của các nhà khoa học thì chương trình THPT phân ban qua nhiều lần thí điểm, điều chỉnh vẫn thiếu tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt… không đạt được mục tiêu đề ra, không đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của học sinh.
Theo tổng kết của Bộ GD&ĐT, sau ba năm triển khai thực hiện phân ban đại trà, năm học 2008 - 2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học Ban Cơ bản, chỉ hơn 14% học sinh học Ban Khoa học Tự nhiên, xấp xỉ 2% học sinh học Ban Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Kết quả giám sát tại các địa phương cho thấy, hầu hết các trường THPT, kể cả trường chuyên đều chỉ tổ chức dạy học theo Ban Cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi đại học. Như vậy, việc thực hiện phân ban ở cấp THPT không thành công.
“Phải xác định được trách nhiệm của sự thất bại này, của các cơ quan T.Ư mà trực tiếp là của Bộ Giáo dục và Đào tạo” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói.
Trước những vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu lên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết để có giải pháp tổng thể khắc phục những hạn chế, bất cập của Chương trình SGK Giáo dục phổ thông (GDPT), Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Đề án Đổi mới Chương trình SGK GDPT sau năm 2015. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tích cực nghiên cứu, xây dựng đề án này và sẽ công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân; chuẩn bị thật kỹ lưỡng các điều kiện để thực hiện đề án.
Chưa cân đối “dạy chữ” với “dạy người”
Báo cáo Giám sát cho biết, Chương trình SGK được biên soạn chưa cân đối giữa dạy chữ với dạy người, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hôi Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng những hạn chế của SGK có nhiều nguyên nhân nhưng chưa thấy rõ trách nhiệm của ai trong việc này. Trách nhiệm thuộc về Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng soạn thảo SGK hay tại chủ trương chung cần phải làm rõ.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định chương trình SGK thiếu tính liên thông, nhiều kiến thức bác học, thiếu kiến thức phổ thông, gây lãng phí thời gian và tiền của xã hội, gây áp lực cho cả học sinh và giáo viên.
“Trong giai đoạn ngắn mà cải cách nhiều quá, thay đổi nhiều quá. Có ý kiến cho rằng chính ngành giáo dục phải vượt qua lợi ích của ngành để phục vụ lợi ích của người dân” - ông Hiển nói.
Cho rằng, những hạn chế của Chương trình - SGK không thể giải quyết một sớm một chiều, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị cần đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường lớp, đáp ứng được yêu cầu dạy học theo Chương trình - SGK đổi mới.
Đề xuất trang bị vũ khí cho hải quan
Sáng 15/8, thảo luận về việc lực lượng hải quan được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tại Dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải quy định rõ cấp nào được trang bị, khi nào được nổ súng.
Theo dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) “Khi hoạt động tuần tra cơ quan hải quan được: sử dụng cờ hiệu, đèn hiệu, pháo hiệu còi loa ra hiệu lệnh cho người, phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm dừng lại để kiểm tra, khám xét; sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng việc trang bị vũ khí, còi, pháo hiệu, đèn hiệu phải được làm rõ như cấp nào được trang bị, khi nào được nổ súng. Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý việc được trang bị súng thì các hoạt động tố tụng như truy đuổi, khám xét, khám nghiệm phải được nghiên cứu và phải phối hợp thật chặt chẽ với các lực lượng khác.