Phái đoàn gồm 50 đại diện của 35 doanh nghiệp Mỹ, đại diện 9 cơ quan nông nghiệp thuộc 9 bang và đại diện từ 21 hiệp hội ngành hàng thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, đến Việt Nam để giới thiệu các nông sản của Mỹ đến người tiêu dùng Việt Nam.
Trong cuộc họp báo chiều 12/9 tại Hà Nội, bà Taylor cho biết sự tham gia đông đảo của các thành viên đến từ 9 bang của Mỹ cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Bộ Nông Nghiệp và các doanh nghiệp Mỹ đến thị trường Việt Nam.
Bà cho biết, các doanh nghiệp Mỹ không đưa sản phẩm sang Việt Nam để cạnh tranh với nông sản Việt Nam, mà hai bên có thể bổ trợ cho nhau. Có nhiều loại quả Việt Nam xuất khẩu mà Mỹ không sản xuất được và ngược lại.
Thứ trưởng Taylor đánh giá, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm của Mỹ, như các loại hạt, trái cây tươi, thịt gà, thịt bò và thịt heo.
Mỹ đang xuất khẩu nhiều loại trái cây tươi như cherry, anh đào, xuân đào, táo, cam, việt quất sang Việt Nam. Bà Taylor nói rằng những sản phẩm này giúp người tiêu dùng đa dạng chế độ ăn uống, lựa chọn của họ.
Trong chuyến đến Việt Nam lần này, đoàn nông nghiệp Mỹ đã có gần 500 cuộc gặp với các doanh nghiệp Việt Nam chỉ trong 3 ngày, thể hiện sự quan tâm của các nhà cung cấp ở Việt Nam đối với các sản phẩm từ Mỹ.
“Chúng tôi thấy nhìn có nhiều cơ hội mới cho nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ ở Việt Nam, bao gồm các loại quả tươi, thịt và hàng tiêu dùng. Với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, họ muốn có những lựa chọn đa dạng hơn”, bà Taylor nói.
Bà cho biết, ngành chăn nuôi gia súc của Việt Nam đang phát triển, tạo cơ hội lớn cho Mỹ xuất khẩu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ 10 sang Mỹ, còn Mỹ là nhà cung cấp lớn thứ 3 của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp.
Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 8 loại trái cây, gồm bưởi, xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, vú sữa và dừa tươi vào thị trường Mỹ.
Tháng 8 vừa qua, đoàn do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung dẫn đầu có chuyến thăm và làm việc tại Mỹ nhằm đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với một số loại trái cây mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, thúc đẩy hợp tác kỹ thuật và đầu tư trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
Hai bên thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo của Việt Nam; khởi động quy trình xem xét đối với sản phẩm mới của Việt Nam, gồm chanh không hạt, ổi, mít.
Hai bên cũng thống nhất danh sách dịch hại và các bước tiếp theo trong quy trình xem xét đối với quả quýt, mận, chanh vàng, lựu, và một số sản phẩm khác để làm giống cây trồng của phía Mỹ.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ với Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để sử dụng phân bón hiệu quả hơn nhằm giảm chi phí, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm nước.
Trong Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, hai bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy việc mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa và dịch vụ của nhau, hỗ trợ chính sách thương mại và kinh tế cũng như các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu này.