Phải cam kết nói không với chất cấm

TP - Một hội nghị nói không với chất tạo nạc Beta-Agonist tổ chức hôm qua tại TPHCM.

Nhà cung cấp thức ăn và người nuôi:

Phải cam kết nói không với chất cấm

>‘Không thể kiểm soát hết chất cấm tạo nạc’
>Phát hiện thêm doanh nghiệp bán chất tạo nạc

Thịt “ngậm” chất cấm từ lâu

Ông Phạm Đức Bình- Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã xảy ra từ rất lâu. Tuy nhiên theo ông Bình rất khó xử lý bởi cái gốc của vấn đề là người chăn nuôi, người tiêu dùng, đội ngũ thương lái và bán lẻ có quan hệ đồng thuận. “Nếu người chăn nuôi nói không với chất cấm, rất khó cho các cơ sở cung cấp thức ăn yêu cầu người chăn nuôi mua dùng”- Ông Bình nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Công, chủ doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai cho rằng, việc dùng chất cấm hay không là do quyết định của người chăn nuôi. Ông Công nói chất cấm đã tồn tại từ năm 2002. Từ đó đến thời gian gần đây vấn nạn này vẫn chưa đưa ra để xử phạt.

Ông Bình cho rằng, phải xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Thả nổi

Theo TS Kính, từ năm 1997, châu Âu đã cấm dử dụng chất Beta- Agonist trong thức ăn chăn nuôi và chỉ dùng làm thuốc thú y. Ở Việt Nam, Beta-Agonist cũng bị cấm, nhưng vẫn lén lút sử dụng. Đại diện Cty chăn nuôi CP kiến nghị, nên xây dựng hành lang luật pháp chặt chẽ, đồng thời tuyên truyền tới người sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi về các mức phạt, xử lý nghiêm để họ không vi phạm.

Ông Phan Xuân Thảo- Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho rằng: “Chúng ta mới dừng lại ở mức kêu gọi người chăn nuôi, sản xuất thức ăn không dùng chất cấm. Thực tế phải có biện pháp kiểm tra giám sát mạnh từ nhập khẩu, đăng ký, lưu thông”. Nhiều doanh nghiệp cho biết, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, từ sức ép về vốn, chi phí đầu vào, đến sức ép về chất lượng, nay lại thêm khó do chất tạo nạc”.

Ông Phan Minh Báu- PGĐ Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, theo phân tích định lượng đã phát hiện 11 cơ sở sản xuất thức ăn có chất cấm tại Đồng Nai. Xảy ra tình trạng này theo ông Báu, là do quản lý không chặt chẽ, không rõ ràng, còn nhiều lổ hổng suốt thời gian dài...

Đại diện Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam cho biết, ngoài việc người chăn nuôi nên nói không với chất cấm, khi mua nguyên liệu nên làm cam kết với nhà cung cấp đảm bảo không có chất cấm Beta- Agonist và các chất cấm khác, nếu có thì nhà cung cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người chăn nuôi nên lưu mẫu các lô hàng trong 6 tháng.

Ông Phan Minh Báu đề xuất Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi nên đồng hành để quản lý các vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung. Để người tiêu dùng không quay lưng với thịt heo, ông Lã Văn Kính kiến nghị phải kiểm tra các mẫu thức ăn, mẫu thịt ở mức cao hơn, và công bố rộng rãi. Đại diện Chi cục Thú y TPHCM đề nghị phải làm quyết liệt hơn, xử lý tiêu hủy trên cả thịt đã giết mổ.

Theo Báo giấy