Ôm họa khi tự mua thuốc trên mạng

TPO - Theo các chuyên gia y tế, đã có nhiều trường hợp bị tai biến do thuốc, thậm chí tử vong khi người bệnh mua thuốc trôi nổi trên thị trường được quảng cáo qua mạng chữa trị một số bệnh như mụn trứng cá, đái tháo đường, viêm khớp, viêm xoang, hen suyễn, vẩy nến, tăng cân, làm trắng da...
Tự mua thuốc trên mạng chữa bệnh, dễ chết như chơi

 Tự mình làm bác sĩ

Ngày 16/5, Bệnh viện (BV) Da Liễu TPHCM cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân (BN) vảy nến bị tai biến nặng do tự ý mua thuốc trên mạng để điều trị.

Bệnh nhân N.V.V (64 tuổi, ngụ tại Đắc Lắc) nhập viện trong tình trạng toàn thân đau nhức, sưng phù, da đỏ, nứt, tróc vảy, đi lại rất khó khăn.

Theo BN V, ông bị vảy nến đã 4 năm nay, tuy nhiên tình trạng sức khỏe tốt. Mấy ngày trước, ông có nghe người thân chỉ có loại thuốc dân tộc Dao có thể điều trị khỏi hẳn vảy nến. Ông V đã đặt mua online của một nhà thuốc trên mạng, với giá 200.000đ/tuýp. “Tôi bôi xong thì da khô, đóng vảy. Hơn 2 ngày sau, da bị đỏ tấy, toàn thân sưng phù, nứt da, đóng vảy. Thấy tình trạng nặng và rất khó chịu nên tôi phải đến bệnh viện khám” - ông V. kể.

BN bị nứt nẻ khắp người do tự mua thuốc trên mạng trị bệnh (Ảnh: BVCC)

Gần đây, không ít bệnh nhân bị ngộ độc, biến chứng nặng do tự mua thuốc về điều trị khi nghe theo những mời chào, tư vấn trên mạng. Điển hình mới đây là trường hợp của bệnh nhân tên N.N.Đ. (47 tuổi, ngụ Q.12, TPHCM) nhập BV Nhân dân 115 trong tình trạng hôn mê, hạ đường huyết nặng. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông Đ. bị viêm xoang mạn tính, không có tiền sử bị đái tháo đường. Cách ngày nhập viện 1 tuần, người bệnh đọc thông tin và đặt mua một lọ thuốc trị viêm xoang không rõ nguồn gốc trên mạng về uống.

Chị Trần Thị Phương (38 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) vẫn rùng mình khi nhớ lại con trai 6 tuổi “suýt chết” do chị từ làm bác sĩ. Thấy con bị ho, sốt nhưng sợ dịch COVID-19, chị Phương đã lên mạng tìm kiếm cách chữa bệnh bằng thuốc đông y và tây y. Chị tự mua cúc tần về chưng đường phèn cho con uống 2 ngày nhưng không khỏi. Sau đó, chị tự mua thuốc tây trên mạng về cho con uống nhưng bệnh lại trầm trọng hơn. Khi đưa bé Bằng đi khám bác sĩ, mới biết cháu bị sốt siêu vi. “Tôi có thói quen lên mạng tìm kiếm thông tin về bệnh và các loại thuốc điều trị cho con. Ví dụ, trên mạng chỉ dẫn sốt 39 độ C thì mới cho uống thuốc hạ sốt, nên tôi cũng theo đó làm và mua đúng loại thuốc mà họ giới thiệu” – chị cho hay.   

Rước họa

Trường hợp BN V tự mua thuốc trị bệnh, BS CK2 Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Trưởng khoa Lâm sàng 2 BV Da Liễu TPHCM cho biết, BN bị viêm da tiếp xúc trên nền bệnh vảy nến. Hiện bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc tại chỗ.

Theo BS Hoàng, hiện nay vảy nến chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng y học có nhiều loại thuốc uống, thuốc bôi, thuốc thoa. Đặc biệt, hiện nay có thuốc sinh học có khả năng khống chế được bệnh vảy nến gần như hoàn toàn. Nếu sử dụng thuốc sinh học, bệnh nhân có cuộc sống gần như người bình thường.

Nhiều loại thuốc y học cổ truyền bán nhan nhãn ở vỉa hè

Theo các chuyên gia y tế, đã có nhiều trường hợp bị tai biến do thuốc, thậm chí tử vong khi người bệnh mua thuốc trôi nổi trên thị trường được quảng cáo qua mạng, kể cả thuốc Tây y và thuốc y học cổ truyền chữa trị một số bệnh như mụn trứng cá, đái tháo đường, viêm khớp, viêm xoang, hen suyễn, vẩy nến, tăng cân, làm trắng da... Tuy nhiên vẫn còn nhiều người tự làm bác sĩ, tự mua thuốc trên mạng để trị bệnh cho mình và người thân.

“BN không được tự ý mua thuốc vì có nhiều thuốc có thể gây ra tình trạng kích ứng tại chỗ, nặng nề hơn sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến tình trạng tử vong. Vì vậy, khi có bệnh về da, đặc biệt là vảy nến, người dân nên đến khám các bệnh viện có chuyên khoa da liễu và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc để, đặc biệt là các thuốc không rõ nguồn gốc vì rất dễ xảy ra biến chứng, hậu quả khôn lường” - BS Nguyễn Vũ Hoàng khuyến cáo.