Ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Đồng bằng Bắc bộ: Ngày càng nghiêm trọng

TP - Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đang vào mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra thường xuyên hơn.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng trong những ngày qua Ảnh: Như Ý


Rạng sáng 15/9, chất lượng không khí Hà Nội đột ngột xấu đi dù là cuối tuần, lượng phương tiện tham gia giao thông thấp. Theo ghi nhận của ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAMAir, hơn 40 điểm đo của Hà Nội vào lúc 8h sáng 15/9 đều có chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-170. Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, AQI từ 100-200 thuộc nhóm kém, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên, từ hôm qua (18/9), chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện khi chỉ số AQI ở ngưỡng từ 100-150, có thời điểm thấp hơn.

Đáng lưu ý, ô nhiễm không khí xảy ra ở khắp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Nhiều nơi như Từ Sơn (Bắc Ninh), thành phố Ninh Bình (Ninh Bình),  Phủ Lý (Hà Nam), Hải Phòng, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Việt Trì (Phú Thọ), chỉ số AQI đều trên ngưỡng 150 vào sáng 17/9. Sáng qua, khi chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện, nhiều tỉnh lân cận vẫn ô nhiễm nghiêm trọng.

Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ 15-17/9, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc PAMAir   Ảnh: Nguyễn Hoài

Theo ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, nguyên nhân là do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ. Số liệu khí tượng cho thấy trời gió lặng, quang mây, ở tầng khí quyển từ 300-1.000m hình thành một lớp sương mù tầng thấp, ngăn lớp không khí ở dưới xáo trộn khiến chất ô nhiễm không khuếch tán mà đọng lại ở sát mặt đất. Lớp sương mù này hình thành vào đêm và buổi sáng, tan vào buổi chiều. Vì vậy, ô nhiễm không khí nghiêm trọng diễn ra từ đêm đến sáng, buổi chiều được cải thiện. Ông Hải cho biết, dự báo khí tượng mới nhất cho thấy, gió bắc và gió đông bắc vào những ngày tới sẽ cải thiện chất lượng không khí.

Mùa đông ô nhiễm nghiêm trọng hơn

Tại Hà Nội, ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 đáng lo nhất. Các hạt bụi có kích thước bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người, có khả năng đi trực tiếp vào máu, khẩu trang thông thường không thể ngăn được.

Ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội thường xảy ra cao điểm vào mùa đông. Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí ghi nhận “bụi mịn có sự dao động theo quy luật, ô nhiễm thường tập trung vào những tháng có nhiệt độ thấp hoặc không khí khô làm cản trở sự phát tán của chất ô nhiễm ở tầng mặt”.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, đại diện Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), chia sẻ, theo dõi trong 3 năm qua, không khí Hà Nội vào mùa đông có mức độ ô nhiễm cao hơn mùa hè. Năm 2019, những ngày ô nhiễm nhất tập trung vào cuối tháng 1, có ngày chỉ số AQI lên tới gần 300, chạm ngưỡng nguy hại (ngưỡng cao nhất trong ô nhiễm không khí, mọi người được khuyến cáo nên ở trong nhà).

Vào mùa đông mưa ít, điều kiện khuếch tán không khí bị hạn chế, đặc biệt những ngày xảy ra nghịch nhiệt cùng với gió mùa vận chuyển chất ô nhiễm từ Trung Quốc và các tỉnh phía đông đến ảnh hưởng chất lượng không khí Hà Nội.

GreenID khuyến cáo mọi người nên theo dõi và giám sát chất lượng không khí như theo dõi thời tiết hằng ngày để có những biện pháp bảo vệ bản thân phù hợp. Hiện có nhiều ứng dụng hỗ trợ theo dõi chất lượng không khí như AirVisual, aqicn, PAMAir. Các ứng dụng này đều cung cấp thông tin về hiện trạng chất lượng không khí, đồng thời đưa ra những lời khuyên tương ứng với mức độ ô nhiễm không khí.

Thủ phạm là giao thông, xây dựng...

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố TP Hà Nội, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Thủ đô. Thành phố xác định có hai nguyên nhân chính gồm hoạt động giao thông và phá dỡ công trình xây dựng. Hà Nội hiện có 5,8 triệu xe máy và 0,7 triệu xe ô tô.

Báo cáo môi trường quốc gia chỉ ra có 4 thủ phạm gây ô nhiễm không khí tại khu vực đô thị, gồm hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động công nghiệp và dân sinh. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội nghiêm trọng hơn ở TPHCM dù dân số và phương tiện giao thông ít hơn. Nguyên nhân là do điều kiện khí tượng và đặc điểm công nghệ.


 Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc PAMAir, tháng 6 và tháng 9 năm nay, vùng ven đô và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ có xu thế ô nhiễm hơn hẳn khu vực nội đô Hà Nội. Nhiều nơi có chỉ số AQI vượt 200 (mức xấu, những người nhạy cảm nên tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ra ngoài).

Các nghiên cứu quốc tế và trong nước chỉ ra, đốt rơm rạ là quá trình đốt không kiểm soát, sản phẩm chủ yếu là chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ đốt không hết có thể tạo ra hợp chất anđêhit và bụi mịn - những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.