Nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Đánh giá và Nghiên cứu y tế cho thấy, nguy cơ tử vong do ô nhiễm không khí đứng thứ tư trong các nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới.
Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí với sức khỏe con người cao hơn nhiều so với những con số báo cáo. Rằng ô nhiễm không khí là nguyên nhân làm hơn 3 triệu người tử vong sớm mỗi năm do đột quỵ, mắc bệnh tim mạch, hô hấp, lão hóa não bộ, đe dọa hầu hết cộng đồng dân cư các thành phố lớn ở những nước đang phát triển và các nước chậm phát triển.
Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Do đó WHO đã khuyến cáo nếu chúng ta không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.
Theo ước tính của WHO, ô nhiễm không khí bên ngoài (Outdoor air pollution) gây ra 1,3 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm và được xem là yếu tố nguy cơ đối với bệnh hô hấp cấp tính và mạn tính. Còn nhóm nghiên cứu của Maher cho rằng, phân tử gây ô nhiễm này có thể tăng mối nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.
Nhiều nghiên cứu trước đây được liên kết với sự có mặt của magnetite trong não đối với sự xuất hiện của bệnh Alzheimer’s. GS. Maher cho rằng điều này có thể xuất hiện bởi sự phát triển của các gốc tự do, gây ra tổn thương bên trong não và các phân tử cũng có thể gây ra các tổn thương khác ở não. Cho đến nay, đây là các nhân tố môi trường tiềm ẩn đối với bệnh Alzheimer’s nhưng bằng chứng của điều này bị hạn chế nên cần được nghiên cứu thêm.
Trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.
Khi chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường nhiều thì người ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện.
Với các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, ngoài bụi thì khói và các mùi hắc khó chịu cũng là tác nhân gây các đợt cấp cho nên chúng tôi khuyên người dân mắc các bệnh hô hấp khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công tình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn).
Ngoài ra, trong nhà bạn cần tránh khói từ bếp, từ người hút thuốc lá, thuốc lào; Không bao giờ nổ xe máy hay máy phát điện... trong phòng kín cửa. Không đốt rác hay đốt vàng mã khi đã đến giờ ngủ của các thành viên gia đình; Nếu phòng sử dụng máy điều hòa thì cần bố trí quạt thông gió; Phòng ngủ cần thoáng khí nhưng cần tránh gió lùa; Nên sử dụng cửa kính để tránh khói bụi từ ngoài xông vào nhà.