Phúc thẩm vụ kiện ký sự pháp đình “Tổ ấm”:

NXB Trẻ, báo Tuổi Trẻ và nhà báo Thủy Cúc bị xử thua

TP - Ngày 16/7, phiên phúc thẩm vụ kiện ký sự pháp đình “Tổ ấm” do TAND TPHCM xét xử đã kết thúc bằng phán quyết tuyên buộc đồng 3 bị đơn là Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, báo Tuổi Trẻ (TPHCM) và nhà báo Thủy Cúc phải bồi thường, xin lỗi nguyên đơn là ông Trần Tiến Đức.

Quyển ký sự pháp đình do NXB Trẻ liên kết với nhà báo Thủy Cúc (tên thật là Trịnh Thị Hồng Thọ - PV báo Tuổi Trẻ) xuất bản và phát hành vào năm 1996.

Trong loạt ký sự này có tác phẩm “Tổ ấm”, do Thủy Cúc viết về một phiên toà xét xử công khai vụ ly hôn giữa vợ chồng ông Trần Tiến Đức (ngụ phường 10, quận Phú Nhuận).

Tuy nhiên khi quyển sách ra đời, nhân vật trong tác phẩm “Tổ ấm” được nêu là ông Đức (được viết tắt tên trong tác phẩm) đã làm đơn khởi kiện ba đồng bị đơn nói trên vì hành vi đã xâm phạm bí mật đời tư.

Tháng 9/2006,TAND quận 3 (nơi có trụ sở của báo Tuổi Trẻ lúc đó) đã mở phiên toà sơ thẩm và kết quả 3 đồng bị đơn thua kiện. Hôm qua (16/7), vụ kiện được xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của 3 đồng bị đơn với các lý do mà phía này nêu ra:

Bản án sơ thẩm không có căn cứ pháp luật; Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm đã lạm quyền, tự sáng tác luật; pháp luật chưa có định nghĩa thế nào là bí mật đời tư;

Mặt khác, những thông tin được công khai tại phiên tòa không thể xem là “bí mật”. Hơn nữa, tác phẩm “Tổ ấm” không đề cập đến tên tuổi cụ thể của ông Trần Tiến Đức...

Song, cấp phúc thẩm cũng đã có nhận định, tác giả (nhà báo Thuỷ Cúc) của cuốn ký sự pháp đình có tác phẩm “Tổ ấm” là người theo dõi diễn biến phiên toà vụ ly hôn của vợ chồng ông Đức và hiểu rõ cuộc sống riêng tư của gia đình này.

Vì thế tác phẩm “Tổ ấm” đã miêu tả chi tiết diễn biến phiên tòa và có những nhận xét, đánh giá về cuộc hôn nhân ấy là xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân đã được pháp luật bảo hộ (!?). Việc tòa án đưa ra xét xử công khai một vụ án là thẩm quyền của tòa đã được pháp luật quy định.

Tuy nhiên, tiến trình tố tụng này không đồng nghĩa với việc công bố bí mật đời tư của những người liên quan. Do vậy, việc công khai chuyện riêng tư của họ trên các phương tiện truyền thông khi chưa được sự chấp thuận của họ là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, cấp phúc thẩm cũng thừa nhận, mặc dù pháp luật chưa có quy định về bí mật đời tư nhưng chuyện hôn nhân đổ vỡ phải đưa nhau ra tòa hay chuyện đòi xác định cha cho con là nỗi đau của các đương sự, đồng thời cũng là bí mật mà họ muốn giấu kín.

Lẽ ra, khi muốn đưa vấn đề này ra công luận, người viết phải hư cấu để người đọc không nhận biết đó là trường hợp của ông Đức (?!).

Đối với trường hợp của báo Tuổi Trẻ, mặc dù không có hợp đồng liên kết xuất bản với NXB Trẻ nhưng báo Tuổi Trẻ đã đồng ý cho NXB Trẻ in logo của báo lên cuốn ký sự pháp đình.

Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ cũng có bài viết giới thiệu về cuốn sách nên đơn vị này phải chịu trách nhiệm liên đới với NXB Trẻ và nhà báo Thủy Cúc trong việc bồi thường thiệt hại và xin lỗi ông Trần Tiến Đức.

Vì thế phán quyết của cấp phúc thẩm buộc 3 đồng bị đơn phải đăng lời cải chính, xin lỗi ông Đức 1 kỳ trên trang 4 của báo Tuổi Trẻ và 3 bị đơn phải bồi thường cho ông Đức: báo Tuổi Trẻ bồi thường 250.000 đồng; NXB Trẻ là 500.000 đồng và nhà báo Thủy Cúc là 1 triệu đồng. Mặt khác, cuốn ký sự pháp đình nói trên bị cấm lưu hành khi tái bản.

Chiều ngày 16/7, PV Tiền phong có trao đổi với nhà báo Thủy Cúc qua điện thoại và cho biết, chị không chấp nhận với phán quyết cũng như nhận định của cấp phúc thẩm.

Hiện tại chị đang xem xét và bàn với luật sư được ủy quyền bảo vệ quyền lợi cho chị tại phiên tòa là ông Bùi Quang Nghiêm, có nên xin giám đốc thẩm vụ kiện.

Theo dõi tại phiên tòa này, một nhà báo đồng nghiệp đã bày tỏ sự bức xúc với chúng tôi: “Tòa cho rằng nên hư cấu câu chuyện để “giấu” nhân thân của các nhân vật thì tôi không thể làm được vì đó là đạo đức của nhà báo.

Sự thật luôn là thước đo chính xác về tính trung thực của các tác phẩm báo chí! Điều này đã được Luật Báo chí qui định”.