Anh Phạm Minh Biên (35 tuổi, ngụ ở ấp Phú Quới, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, cách đây hơn 6 năm, anh chọn nuôi chim trĩ vì loài này vừa làm kiểng, vừa ăn thịt được. Sau đó anh sưu tầm, mở rộng thêm gà kiểng, chim công… trong đó có giống gà “ngực khủng” Serama, gà sư tử Ba Lan.
Trong số hơn 40 con gà sư tử Ba Lan, có 10 cặp gà sư tử Ba Lan vàng, 10 cặp gà sư tử Ba Lan trắng, còn lại là gà sư tử Ba Lan đen đầu bạc cùng một số loại gà sư tử Ba Lan lai.
Theo anh Biên, sở dĩ anh nuôi gà sư tử Ba Lan là do màu sắc và dáng đẹp độc lạ, nhất là chùm lông trên đầu giống con sư tử. Giống gà này rất sung, hiếu chiến và có xuất xứ từ Ba Lan.
Để có được số lượng gà sư tử Ba Lan như hiện nay, anh Biên phải tìm mua thông qua nhiều bạn bè và các mối giới thiệu.
Hiện đàn gà sư tử Ba Lan của anh Biên có trọng lượng nặng nhất khoảng 1kg đối với con trống và 1,5kg đối với con gà mái. Giá bán gà sư tử Ba Lan một tháng tuổi khoảng 300.000 đồng/con, gà sư tử Ba Lan trưởng thành từ 2-4 triệu đồng/cặp (tuỳ theo con đẹp hay xấu).
Nói về kỹ thuật nuôi gà sư tử Ba Lan, anh Biên cho biết không khác gì với nuôi các giống gà địa phương, chỉ cần cho ăn đầy đủ để cho con gà sung sức, đồng thời bổ sung thêm vắc xin và xây dựng trại khô thoáng.
"Hằng ngày, tôi chủ yếu cho gà ăn lúa, bắp, rau xanh... Gà sư tử Ba Lan càng lai càng đẹp, giá ổn định. Ngoài gà sư tử Ba Lan, tôi còn nuôi gà Serama (hay còn được gọi là gà tre Mã Lai)”, anh Biên bộc bạch.
Chia sẻ thêm về gà Serama, anh Biên cho biết, gà Serama nhỏ con, trọng lượng chỉ từ 300-350 gram. Đặc biệt là ngực nở, dáng đi đứng thẳng như con người. Cũng như gà sư tử Ba Lan, gà Serama dễ nuôi. Nhờ nuôi 2 loại gà này mà anh có thu nhập ổn định khoảng 30 triệu đồng/tháng.