Nước sâm mát lành và thanh nhiệt

Trong các loại nước mát giúp thanh nhiệt như nước khổ qua, gạo rang… nước sâm là thức uống được ưa chuộng nhất vì thơm ngon, dễ nấu, rẻ tiền.
Nha đam kết hợp với nước sâm tạo nên vị thanh mát rất ngon

Những ngày nóng, các bà nội trợ vén khéo đi chợ thường không quên mua thêm một bó thảo dược đem về. Nước sâm dễ uống, dễ dàng nấu, tiết kiệm lại an toàn cho sức khỏe. Ngoài những loại thảo dược quen thuộc như mã đề, rễ tranh, mía lau… bạn có thể kết hợp với nhiều loại khác như rong biển, nha đam, bí đao… để đổi vị.

Trong các loại nước mát giúp thanh nhiệt như nước khổ qua, gạo rang, các loại đậu… nước sâm là thức uống được ưa chuộng nhất vì thơm ngon, dễ nấu, rẻ tiền. Các loại thảo dược nấu sâm thường gồm bọ mắm (thuốc dòi), rễ tranh, mã đề, mía lau, bông ngò, râu bắp, lẻ bạn… được buộc sẵn thành bó.

Các loại thảo dược, rau củ… đều có thể dùng nấu nước mát

Người nội trợ mua về chỉ việc sơ chế thật sạch, sau đó cho tất cả vào nồi nấu chung. Khéo léo hơn thì chừa lại bông ngò, râu bắp, nấu đến khi nước ra mùi thơm mới cho vào, nấu thêm khoảng 5-10 phút nữa. Nấu xong, lược bỏ xác mới nêm đường phèn hay đường thốt nốt, nước sâm sẽ ngon và thơm hơn. Có thể uống không đường vì mía lau trong nước có sẵn vị ngọt nhẹ.

Bên cạnh bó thảo dược quen thuộc, bạn có thể dùng một số loại rau củ khác như bí đao, rong biển, bông cúc, nha đam… nấu nước uống đổi vị. Tùy loại mà có thể kết hợp để tăng vị hoặc nấu riêng. Như bông cúc chỉ nên nấu riêng vì bông có vị nhẩn, nấu chung dễ làm mất mùi các nguyên liệu trong nước mát. Sâm bông cúc nấu rất đơn giản, chỉ cần cho bông khô đã ngâm nở vào nấu khoảng 10-15 phút, lược lại nước, sau đó nấu nước đường phèn rồi cho nước bông cúc vào nấu chung.

Để ngon hơn, có thể thêm nhãn nhục khô vào, loại này không bị vị nhẩn của bông cúc lấn át. Bông cúc nấu chung với rong biển cũng là thức uống giải nhiệt rất hiệu quả. Trước khi nấu cần ngâm, xả nhiều lần cho rong ra hết chất dơ và vị mặn. Rong biển có vị tanh, nếu chỉ nấu nước sẽ rất khó uống nên thường được kết hợp với vài nguyên liệu khác như bông cúc, la hán quả, nhãn nhục, táo, hạt ngò, lá dứa… Rong có nhiều loại, loại thường dùng nấu nước là rong biển đen, nếu mới nấu lần đầu thì nên tìm mua ở các hiệu thuốc Đông y để không bị nhầm lẫn.

Sâm bông cúc dễ nấu lại ngon

Nguyên liệu cho món sâm giải nhiệt còn có bí đao. Chọn trái bí già, tùy thích để nguyên hay gọt bỏ vỏ, ruột, rửa sạch, cắt khoanh. Khi nấu cho thêm thục địa vào, nếu thích vị ngọt thanh thì thêm mía lau, la hán quả. Nấu đến khi bí mềm mới bỏ lá dứa vào tạo hương, nêm đường vừa vị, nấu khoảng 10 phú t nữa là được.

Nha đam kết hợp với nước sâm cũng rất ngon. Nếu làm nước uống thì phải xay nha đam rồi nấu, nhưng nếu nấu cùng với nước sâm thì chỉ cần cắt hạt lựu nhỏ, sau đó cho vào nồi sâm đã lược bỏ xác, để sôi lại là được. Nha đam thường dễ bị nhớt và đắng, vì vậy phải sơ chế thật kỹ. Gọt vỏ cắt nhỏ xóc muối, xả sạch rồi bóp lại với nước chanh pha loãng, rửa lại thật sạch. Các công đoạn xóc muối, bóp chanh đều phải làm nhanh vì nha đam rất dễ ngấm vị mặn và chua, ảnh hưởng đến nước uống.

Nước sâm là thức uống giải nhiệt được ưa chuộng ngày nóng

Nước mát, cũng như các loại thức uống khác, muốn ngon đều đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Nhưng nếu chỉ nấu kiểu gia đình, mục đích chính là hạ nhiệt ngày nóng thì không cần cầu kỳ. Chủ yếu là sơ chế rau củ thật sạch, nấu đúng thời gian là được. Tuy nhiên, nước mát không thể thay thế nước lọc, vì vậy không nên lạm dụng. Các thành phần rau củ nấu nước có thể khác nhau, nhưng hầu như đều có tác dụng lợi tiểu, uống nhiều trong thời gian dài sẽ gây mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo Theo Phunuonline