> Sao phải tốn 4 tỷ USD nhập khẩu?
> Vật tư nông nghiệp như ma trận
Tủi thân trước nghịch lý
Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết, năm ngoái, Việt Nam sản xuất khoảng 15,5 triệu tấn TACN công nghiệp. Trong đó, thức ăn gia súc, gia cầm khoảng 12,7 triệu tấn; thức ăn cho thủy sản khoảng 2,8 triệu tấn. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), với sản lượng trên 15 triệu tấn, ngành sản xuất TACN công nghiệp Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và xếp 12 thế giới.
Tuy nhiên, để có sản lượng TACN trên, Việt Nam phải nhập khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu, tốn khoảng 3,8 tỷ USD. Trong số nguồn nguyên liệu nhập về, khô dầu đậu tương lớn nhất với 3,3 triệu tấn. Ngoài ra, hàng loạt nguyên liệu khác cũng phải nhập khẩu như: 1,6 triệu tấn ngô; 2,4 triệu tấn lúa mì; trên 600 triệu tấn cám các loại (cám gạo, cám mỳ...); trên 426 nghìn tấn bột xương; gần 90 nghìn tấn bột cá; các loại protein, chất béo, chất xơ, khoáng chất khoảng 480 nghìn tấn...
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết, hiện do giá ngô thế giới giảm mạnh, thấp hơn giá ngô trong nước nên các DN đầu mối đẩy mạnh lấy hàng để dự trữ. Dự kiến, năm 2013, lượng nguyên liệu nhập về có thể lên tới 8,5 triệu tấn, mất trên 4 tỷ USD. “Là nước nông nghiệp, nhưng nguyên liệu làm TACN toàn phải nhập, tôi là chủ tịch Hiệp hội cũng thấy tủi thân”, ông Lịch nói.
Lãnh đạo Hiệp hội TACN cho hay, TACN công nghiệp có khoảng 20 thành phần, trong đó thành phần chính là khô dầu đậu tương và ngô. Tuy nhiên, sản lượng đậu tương trong nước để làm TACN gần như bằng không. Với khoảng 3,5-4 triệu tấn ngô được đưa vào chế biến TACN, khoảng 1 triệu tấn cám, 1,5 triệu tấn sắn... chỉ đáp ứng được khoảng 45-50% nguyên liệu sản xuất TACN công nghiệp.
“Là nước nông nghiệp, nhưng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi toàn phải nhập, tôi là chủ tịch cũng thấy tủi thân”.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch
Hiệp hội TACN Việt Nam
Theo ông Lịch, ở nước ta, lâu nay việc bố trí cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ quan quản lý nhà nước chưa có kế hoạch để trồng cây làm nguyên liệu TACN. Ngay cả quy hoạch đất cho chăn nuôi cũng chưa có. Còn tự sản xuất để hạn chế mất ngoại tệ nhập khẩu ít để ý và chưa có chính sách khuyến khích cụ thể.
“Ở các nước, bao giờ họ cũng cân đối lương thực cho người và gia súc. Chẳng hạn, Trung Quốc dành hẳn 150 triệu tấn ngô trong kế hoạch hằng năm cho chăn nuôi, có quỹ đất trồng cỏ nuôi đại gia súc” - ông Lịch nói.
Cũng theo ông Lịch, ngoài việc thiếu khoảng 50% nguyên liệu ngô, đậu tương; hằng năm Việt Nam còn nhập hàng trăm tấn các loại khoáng, chất phụ gia, bổ sung từ Trung Quốc, tốn hàng trăm triệu đô la.
Phải chấp nhận sự vô lý?
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiêm Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: Trong số khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu TACN nhập về, riêng ngô trong nước có thể khắc phục được, còn lại hầu như phải nhập khẩu.
Theo ông Vang, năm nay Việt Nam có khả năng nhập khoảng 1,9 triệu tấn ngô, với giá trung bình 300 USD/tấn. Lượng ngô còn thiếu, cần khoảng 300 nghìn ha ngô lai mới có thể đáp ứng được nhu cầu. Về phương án chuyển lúa gạo sang làm TACN cũng chỉ một phần, vì người chăn nuôi thích ngô hơn (lượng protein 9%) trong khi lúa gạo chỉ 8%.
Ông Vang cho biết, với khô dầu đậu tương, gần như cả thế giới phụ thuộc vào Mỹ, Argentina, Brazil. Ở Việt Nam nếu trồng đậu tương năng suất chỉ 1,1-1,2 tấn/ha (trong khi các nước trên tới đạt 2,8 tấn/ha). Riêng ở Mỹ, có tới 30 triệu ha đậu tương, còn ở ta chỉ khoảng 160.000 ha. Ngoài ra, do khí hậu không phù hợp nên sản lượng kém, phục vụ cho người còn chưa đủ.
TS Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, nguyên liệu đậu tương là vấn đề nan giải. Nếu Việt Nam có trồng cũng khó cạnh tranh được với Ấn Độ, Nam Mỹ... vì họ dùng giống chuyển gene cho năng suất cao, được cơ giới hóa đồng bộ nên giá thành thấp.
Theo ông Ngọc, để giải quyết bài toán thiếu ngô, cần chuyển một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, nhất là ngô lai và sắp tới là ngô biến đổi gene. Ngoài ra, lúa gạo sản xuất bị dư thừa, có thể chuyển một phần làm thức ăn cho gà, vịt, lợn... là khả thi. “Nếu ta làm được, việc này sẽ giải quyết được một phần nhập khẩu, từ đó tăng giá trị cho người nông dân”, ông Ngọc nói.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện diện tích ngô cả nước chỉ khoảng 1,2 triệu ha, năng suất bình quân 4,3 tấn/ha, sản lượng khoảng 5,2 triệu tấn/năm. Việc nâng diện tích ngô lên 1,4-1,5 triệu ha chỉ nằm trong kế hoạch đến năm 2020-2030.