Nước mắt một gia đình 28 năm mang án oan giết chồng, giết cha

TPO - Ngày 24/10, TAND tỉnh Điện Biên chủ trì buổi xin lỗi công khai 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga (SN 1938, ở Tuần Giáo, Điện Biên) về những oan sai trong vụ án chồng bà Nga tử vong.

Sự việc bắt đầu vào ngày 18/9/1989 khi bà Nga phát hiện chồng mình là ông Trịnh Huy Tùng đã tử vong dưới giếng. Công an Lai Châu (nay tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đã khởi tố, bắt giữ 2 người con của nạn nhân là Trịnh Công Hiến (SN 1963) và Trịnh Huy Dương (SN 1970) về tội Giết người. Vợ ông Tùng là bà Nga sau đó cũng bị bắt giữ.

Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù treo về hành vi Che giấu tội phạm. Hai con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị tòa buộc tội Giết người, lần lượt nhận án 18 năm tù và 12 năm tù.
Bản án trên bị tòa phúc thẩm tuyên hủy nên năm 1991 VKSND tỉnh Lai Châu trả hồ sơ cho Công an tỉnh Lai Châu điều tra lại. Năm 1992, các ông Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương được hủy bỏ quyết định tạm giam.
Kể từ đó, vụ án bị treo lơ lửng suốt gần 30 năm không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan. Năm 2016, cơ quan tố tụng liên ngành tỉnh Điện Biên vào cuộc để giải quyết đơn kêu oan của bà Nga và con trai. Tháng 10/2017, cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố 3 người trong gia đình bà Nga vô tội.

Bà Đặng Thị Nga cho biết còn vài tuần nữa mình bước sang tuổi 80.

Trao đổi với phóng viên, bà Nga cho biết sức khỏe mình đã rất yếu, phần vì tuổi cao phần vì hay đau ốm. Tuy vậy, bà vẫn nhớ như in sự việc cách đây gần 30 năm khi phát hiện chồng mình tử vong trong giếng.

Bà kể lại: “Chôn cất chồng được 4 ngày, công an lần lượt đến bắt giữ 2 thằng lớn rồi bắt tôi. Lúc đó, tôi nghĩ chắc cả nhà phải chết hết, tôi ở trong tù thì 3 đứa nhỏ còn lại ở nhà chỉ có chết đói”.

Về lý do nhận tội, bà Nga cho biết mình bị ép cung lại được thằng lớn khuyên: "Thôi mẹ nhận tội đi rồi về nuôi các em để bọn con đi tù… Tôi đành nhận tội” – bà lão nói rồi lấy tay chấm nước mắt.

Anh Dương bật khóc khi nghĩ về người anh trai không được chứng kiến cảnh được minh oan.

Kể về người anh trai, Trinh Huy Dương nhớ lại: “Trong tù, anh ấy xăm chữ hận đời oan trái và bảo bao giờ được minh oan mới xóa đi. Được tự do, chúng tôi rất vui nhưng về nhà một vài ngày thì rất bế tắc vì bị mang tiếng giết bố. Anh trai tôi định dạm ngõ với người yêu mà bên nhà chị ấy không cho, sau chị ấy đi lấy chồng. Anh tôi dùng dao Mèo cứa cổ tự tử may tôi nhìn thấy cản lại, con dao cứa vào tay tôi giờ 3 ngón không cử động được. Sau, anh ấy mất năm 2004, chưa kịp chứng kiến mình được minh oan”.

Người đàn ông giơ những ngón tay run run ra trước mặt phóng viên, nước mắt không ngừng chảy trên khuôn mặt khắc khổ.

Phần mình, anh Dương cho biết do không chịu được dư luận ở nhà nên phải bỏ xuống miền xuôi và xuống đó vẫn phải tránh những nơi có họ hàng của mình.

Ngồi cạnh, bà Nga bắt đầu kể về hành trình minh oan: “Lần đầu viết, tôi phải trốn đi vì người ta nói tôi bị án treo, không được ra khỏi huyện. Tôi dắt con nhỏ lúc đó 10 tuổi đi trộm về Thái Nguyên nhờ anh trai viết đơn… Sau cứ mỗi tháng một lần tôi lại gửi đơn kêu oan đi khắp nơi, cứ về nhà bán bánh có tiền là tôi lại đi”.

Ngoài sân, những họ hàng, người thân gia đình bà đang dựng rạp, kê bàn ghế chuẩn bị đón bà con đến mừng nỗi vui được giải oan.