Khán giả truyền hình đã quen với nhiều gương mặt BTV nữ. Tuy nhiên họ chỉ thường xuất hiện trong các chương trình nhẹ nhàng như “Dự báo thời tiết”, gameshow… còn những BTV nữ chuyên đưa tin thời sự tại các điểm nóng như chị rất hiếm. Cơ duyên nào đưa chị đến với công việc này?
Ngay từ khi bắt đầu làm công việc phóng viên tôi đã luôn lựa chọn những chủ đề gai góc. Tôi luôn suy nghĩ sẽ tìm ra ngọn ngành sâu xa của những vấn đề đó chứ không chỉ đơn giản phản ánh bề nổi. Bởi vậy, ngày qua ngày tôi đều bị cuốn vào công việc trong suốt mười năm qua. Từ khi làm báo đến bây giờ tôi chỉ làm điều tra, điều đó khiến hình ảnh của tôi gắn liền với những đề tài nóng và phóng sự điều tra.
Mới đây khi xảy ra vụ việc cháy rừng tại Sóc Sơn, chị thực hiện phóng sự lúc hơn 1h sáng. Mỗi lần bão lũ đổ về, người dân được di dời đến nơi an toàn, chị lại có mặt tại hiện trường để đem đến cho khán giả những tin tức, hình ảnh chính xác. Mỗi khi phải rời xa gia đình đến những nơi xa xôi thậm chí nguy hiểm, chị suy nghĩ gì?
- Đây chính là điều mỗi khi nghĩ đến tôi đều cảm thấy áy náy. Nếu so sánh với những gia đình khác, con tôi phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. Bởi vậy, tôi luôn tìm cơ hội bù đắp cho các con nhiều nhất có thể. Tôi nhớ khoảng ba, bốn năm về trước, vào lúc 9h tối, khi đang dạy các con học bài nhận được lệnh đi Quảng Ninh làm tin về một cơn bão. Mặc dù cần phải khẩn trương chuẩn bị xuất phát nhưng tôi vẫn cố gắng dạy xong bài cho các con mới cùng ekip lên đường.
Khi thực hiện những phóng sự điều tra về tin nóng, thiên tai, các phóng viên nam sẽ có nhiều lợi thế hơn bởi sự nhanh nhẹn, khả năng xông pha, lăn xả. Đối với một người phụ nữ như chị, lợi thế là gì?
- Khi thực hiện những phóng sự điều tra, nữ giới có những lợi thế nam giới nhiều khi không có được. Trong một số trường hợp, nữ giới biết cách tiếp cận và dễ dàng lấy được thông tin hơn nam giới.
Tôi nhớ một lần khi đang mang bầu 7 tháng làm phóng sự tại Đồng Nai về sản xuất thuốc giả. Khu đó kín cổng cao tường rất khó lấy thông tin. Tôi để ý thấy lối đi nhỏ thỉnh thoảng có người đi lại nên đã quyết định giả làm người bán hàng rong tìm cách vào bên trong. Không ai nghi ngờ một người phụ nữ đang mang bầu và tôi đã tiếp cận được thông tin. Còn về phóng sự thiên tai quả thực phụ nữ yếu thế hơn vì sức khỏe có hạn.
Đã nhiều năm đưa tin về bão lụt, thiên tai, chị có kinh nghiệm gì để lường trước những sự việc không hay phát sinh trong quá trình thực hiện?
- Trước khi thực hiện phóng sự, ekip sẽ tìm điểm an toàn và đảm bảo về mặt kỹ thuật. Trong hoàn cảnh mưa bão rất dễ xảy ra sự cố mất tín hiệu nên phải tìm một nơi có đường truyền tốt nhất. Tiếp đến là địa điểm tác nghiệp được lựa chọn sao cho không bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, vì bất cứ điều gì xảy ra cũng khiến mọi người có thể mất tập trung.
Tôi đã từng gặp một sự cố mưa bão tại Nam Định. Ngày hôm đó tôi rất mệt vì vừa công tác 7 ngày tại Hà Tĩnh. Trên đường về, chúng tôi gặp cơn bão số một được dự báo nhẹ, chỉ ở cấp 8 nên tranh thủ ở lại thực hiện đưa tin. Tuy nhiên cơn bão mạnh hơn rất nhiều so với dự tính. Cả đêm hôm đó chúng tôi gần như thức trắng.
Hôm sau, khi lên sóng trực tiếp trong bản tin “Chào buổi sáng”, do vừa mệt vừa mưa quá to, tôi đã đánh rơi chiếc điện thoại chứa nội dung chuẩn bị trước đó và ngay lập tức phải trả sóng lại cho trường quay. Thực sự trường hợp đó xảy ra quá bất ngờ và nằm ngoài dự tính của tôi.
Nam giới khi đi làm phóng sự có nhược điểm so với nữ giới là thiếu tính kiên trì và khả năng thuyết phục. Nữ giới bền bỉ, khéo léo và có thể tận dụng lợi thế nhan sắc. Chị đã bao giờ dùng “mỹ nhân kế” trong quá trình tác nghiệp?
- Rất tiếc tôi chưa bao giờ sử dụng cách này. Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm nghề và uy tín của mình, tôi có những cách thuyết phục khác sao cho người nghe cảm thấy hợp tình hợp lý.
Một kỷ niệm, bài học đáng nhớ nhất của chị trong quá trình thực hiện những phóng sự điều tra?
- Đó là lần tôi thực hiện phóng sự những người vượt biên sang Campuchia đánh bạc. Chúng tôi tiếp cận sòng bạc đầu tiên và mang được khá nhiều thiết bị quay chụp vào bên trong. Nhưng do tình hình lúc đó căng thẳng và điều kiện trong sòng bạc cũng rất khó để thực hiện quay phim nên cả ngày hôm đó chúng tôi không thu được kết quả gì. Tôi không bỏ cuộc và quyết định ngày hôm sau sẽ quay lại để hoàn thành phóng sự.
Lần này, để tránh nghi ngờ, tôi đã chọn một sòng bạc khác. Nhưng tôi không ngờ ở đó kiểm tra an ninh nghiêm ngặt và toàn bộ máy quay của người quay phim bị tịch thu, chỉ duy nhất một mình tôi còn máy. Tôi giả bộ nghe điện thoại, tìm cách lách qua đám đông vào bên trong và thành công.
Tôi hơi chủ quan vì nghĩ rằng người miền Nam, nhất là những người trốn sang Campuchia đánh bạc sẽ không biết mình là ai nên không hóa trang. Nhưng đến khi tôi tiến vào trong để chuẩn bị tác nghiệp, đi ngang qua một người đàn ông, người đó nhìn tôi chằm chằm sau đó anh ta dẫn một bảo vệ đến chỗ tôi.
Nếu lúc đó tôi bị phát hiện đem theo máy quay, sẽ có rất nhiều tình huống xấu xảy ra. Đột nhiên người đàn ông kia chỉ vào tôi và nói: “Cô kia là phóng viên đấy”. Thời điểm nghe thấy hai chữ “phóng viên”, tôi chỉ có duy nhất một cách chạy khỏi đó thật nhanh và trở về Việt Nam ngay lập tức.
Câu chuyện thứ hai có phần gay cấn hơn. Đó là về vụ việc hoán cải vỏ bình gas. Địa điểm đó được bao vây bởi núi đồi cao rất khó tiếp cận, chỉ có một đường duy nhất đi vào là qua vườn cam. Khi chúng tôi đang di chuyển, đột nhiên xuất hiện một người đàn ông tay cầm hai con dao dài chặn lại. Chúng tôi hoảng hồn, chỉ sợ người đó làm gì mình nhưng vẫn phải cố bình tĩnh. Người đàn ông đó chính là chủ khu vườn và nghĩ chúng tôi vào ăn trộm cam.
Sau một hồi giải thích, hỏi chuyện qua lại, chúng tôi biết được rằng ông chủ vườn cam không ưa gì nhà bên kia vì họ thường xuyên ném những mảnh kim loại từ vỏ bình gas sang vườn cam khiến ông dẫm vào và chảy máu nhiều lần. May mắn thay, sau khi biết việc chúng tôi định làm, ông đã nhiệt tình hỗ trợ để ekip có thể tiếp cận hiện trường một cách suôn sẻ. Đó là những kỉ niệm không bao giờ quên của tôi.
Thông thường những phóng viên đưa tin nóng sẽ hạn chế lộ diện trước đám đông. Nhưng chị thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và được rất nhiều người biết đến. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến những lần tác nghiệp của chị. Chị làm sao thế nào để giải quyết vấn đề này?
- Mỗi khi thực hiện đề tài, tôi cần phải phán đoán trước những trường hợp sẽ xảy ra và mức độ ảnh hưởng của nó. Bởi vậy, có những lần khi thực hiện phóng sự, tôi phải hóa trang hoàn toàn đến mức những người thân quen cũng không nhận ra. Đó cũng là một khả năng đặc biệt của tôi.
Nhưng đối với những đề tài phải trực tiếp xuất hiện, tôi sẽ tìm cách không cần hóa trang vẫn khai thác được thông tin. Có những đề tài tôi không nên xuất hiện có thể hỗ trợ bên ngoài để ekip thực hiện. Nhưng cũng có những đề tài tôi bắt buộc phải trực tiếp tham gia. Bởi vậy, tôi luôn tùy cơ ứng biến với mỗi trường hợp sao cho phù hợp nhất.
Những phóng sự gay cấn, kịch tính chị đã làm rất nhiều. Vậy đã bao giờ chị làm một phóng sự khiến chị cảm động, những mảnh đời, số phận khiến chị bị ám ảnh mãi?
- Có một trường hợp ở Sài Gòn đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Một người phụ nữ gửi đơn phản ánh việc nhà của họ bị nhà bên cạnh xây dựng ảnh hưởng bị nghiêng khiến căn nhà bị lún sâu và ngập nước. Chị đã nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng nhưng không ai giải quyết. Chỉ khi tình hình trở nên tệ, ngôi nhà bị lún quá sâu, mọi thứ đều bị nước nhấn chìm gây nguy hiểm đến tính mạng con người, chính quyền mới vào cuộc.
Khi tôi gặp gia đình chị, họ đang phải ở trong một ngôi nhà thuê. Người phụ nữ kể khi gia đình rời ngôi nhà bị sập lúc đó con chị mới ba tuổi, còn khi tôi gặp con chị đã học đại học. Nhân vật ấy họ không làm gì sai, nhưng đột nhiên họa từ trên trời rơi xuống, mười mấy năm trời sống trong nhà thuê, có nhà nhưng không được về, cũng không có ai đứng ra giải quyết. Khi phỏng vấn họ, tôi đã khóc và tự hỏi: Không biết bao giờ vấn đề của họ mới được giải quyết?...