Nước cờ điểm huyệt

TP - Giữa lúc Mỹ mải chú ý đến cuộc chiến Nga-Ukraine, Trung Quốc (TQ) đi một nước cờ táo bạo. Họ vừa đạt hai thỏa thuận để có thể cắm chốt tại một trong những địa điểm trọng yếu nhất ở vùng biển Thái Bình Dương. Đây có thể thêm bài học về thất bại chiến lược của tình báo phương tây nếu kế hoạch của TQ thành hiện thực.

Hai thỏa thuận TQ đạt được liên quan đến quần đảo Solomon, thời nay có vẻ ít ai để ý. Thỏa thuận thứ nhất mang tên hiệp định TQ đảm bảo an ninh cho đảo quốc và được thủ tướng Solomon khoe đúng ngày Cá Tháng Tư, 1/4. Thỏa thuận thứ hai về hợp tác kinh tế đang chuẩn bị ký thì bị rò rỉ tuần rồi.

Ôn lại một chút Đại chiến Thế giới 2 (WW2) để thấy vị thế của Solomon. Nếu trận Trân Châu Cảng của Nhật cuốn Mỹ tham chiến WW2, xung đột Nhật-Mỹ tại Solomon mới thực sự là đọ sức để kiểm soát toàn bộ vùng biển rộng nhất thế giới. Nhờ nhập cuộc trực tiếp của Anh suốt ba năm, 1942-1945, Mỹ mới đẩy được quân Nhật khỏi ngã ba cứu nguy hai đồng minh New Zealand và Úc.

Chưa bao giờ TQ thỏa ước nguyện cho đến khi phương tây bị hút về Ukraine. Cũng hiếm khi thế giới có dịp chứng kiến TQ thao tác cực kỳ hiệu quả trong thời gian vô cùng ngắn. Sau khi gạo nấu thành cơm, ngày 22/4, đoàn quan chức an ninh Mỹ mới đến Solomon bày tỏ quan ngại trong 90 phút mà không có kết quả cụ thể nào.

Vài ngày sau chuyến nhắc nhở muộn mằn của đồng minh, Úc cũng chẳng làm gì ngoài cảnh báo. Từ nội dung hiệp định an ninh TQ-Solomon, thủ tướng Úc tá hỏa nguy cơ hải quân TQ có thể hiện diện tại nơi cách nước ông 2.000 km. Hai hôm sau, bộ trưởng Nội vụ Úc cũng thốt lên “rất có thể” họ đưa quân đến đó trong một năm.

Dường như đã thành nếp khi Mỹ nghĩ mình luôn đi trước đối thủ. Ngày 12/2, hai tuần trước khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ hoan hỷ tuyên bố sẽ mở lại sứ quán tại Solomon. Suốt 29 năm qua, họ không ngó ngàng gì và tin duy trì cấp lãnh sự là rung đùi.

Cứ tưởng tuyên bố tái lập sứ quán đủ răn đe để tập trung toàn lực hỗ trợ Ucraine, đối phương đã phản ứng mau lẹ. Dự thảo hiệp định “hợp tác kinh tế xanh” bị rò rỉ đầu tuần càng làm dấy lên lo ngại TQ có thể chặt đứt tuyến liên lạc chiến lược giữa căn cứ hải quân Hawaii của Mỹ với Úc. Lãnh đạo Mỹ-Úc đều thề sẽ không cho phép xảy ra kịch bản quân TQ hiện diện tại Solomon. Có điều dường như họ một lần nữa ở chiếu dưới trong cuộc cờ tại Thái Bình Dương, động lực hàng đầu của thế giới.