Đêm giao lưu văn nghệ “Ánh lửa từ trái tim” có đủ những cung bậc cảm xúc: nụ cười có, nước mắt có, xúc động, nghẹn ngào và cả sự kinh ngạc, khâm phục…
Không kể những câu chuyện ở chiến trường mà thay vào đó các cựu binh nói về cuộc sống của họ sau ngày đạn bom. Những vết thương chưa lành có thể hành hạ họ đêm ngày nhưng tình người, nghĩa vợ tình chồng thì ấm áp, bao la.
Họ có thể là những người "không lành lặn" kết lại với nhau để có một tròn đầy là mái ấm gia đình. Những người vợ của các thương binh có thể chính là những người y tá, điều dưỡng vì cảm thương, vì tình yêu mến mà tự nguyện gắn bó vợ chồng.
Câu chuyện của cặp vợ chồng thương binh Đinh Công Truật và Trần Thị Tấm khiến nhiều người nghẹn ngào. Tất cả đều lặng đi khi nghe bác Trần Thị Tấm kể về những lần chồng lên cơn đập phá và đánh đập vợ con. Di chứng của 3 mảnh đạn ở đầu và 2 mảnh đạn ở cột sống khiến người đàn ông rất mực yêu thương vợ con ấy vẫn thường “điên loạn” trong những cơn mê tỉnh.
Câu chuyện này có lẽ không riêng với gia đình thương binh Đinh Công Truật, nó là nỗi niềm chung của rất nhiều người lính- những người mang thương tật trở về từ chiến trường.
Sau những giọt nước mắt là nụ hôn mà thương binh Bùi Công Tuyển dành cho vợ là cô Lê Thị Ninh thay lời cám ơn đã gắn bó và đồng hành trong suốt quãng đời không lành.
Những đồng đội, đồng chí cũng không kiềm được nước mắt.
Chiến tranh cướp mất hai bàn tay của thương binh Trần Thị Hồng nhưng cô đã vượt qua những mặc cảm để kết hôn. Hiện cô có một gia đình hạnh phúc và hai người con thành đạt.
Hàng nghìn sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội chăm chú lắng nghe.
Giây phút cô Hồng nghẹn ngào trên sân khấu, cố nén để tiếng khóc không bật thành lời thì hàng nghìn khán giả ngồi dưới đã rơi nước mắt.
Dù những vết thương có thể mãi không lành nhưng những người lính vẫn cất cao tiếng hát.
Hình ảnh xúc động trong đêm giao lưu khi các cựu binh hát vang ca khúc "Cuộc đời vẫn đẹp sao".
Dù không thể lên sân khấu nhưng họ vẫn nở nụ cười tươi để dành tặng nụ hồng cho các ca sĩ của chương trình.