Nơi đến của các cô cậu học sinh này chính là Sơn Mỹ (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) – nơi 38 năm trước diễn ra vụ lính Mỹ thảm sát trên 500 thường dân vô tội ...
Thứ Bảy, 9 giờ sáng mười mấy cô cậu học sinh mới lục tục dậy điểm tâm. Chỉ có 2 người dậy sớm hơn, đó là Chí Nguyễn và cô giáo Amanda Huyền.
Chí Nguyễn tốt nghiệp trường Middleburg College 2 ngành Kinh tế và Tiếng Pháp, hiện được giữ lại làm giáo viên ở trường.
Cô Huyền năm nay 30 tuổi, trước khi sang Mỹ là người Việt gốc Hoa tại Chợ Lớn (TP.HCM). 15 học sinh còn lại gồm 10 nữ, 5 nam tuổi 15-16 đến từ nhiều nơi của nước Mỹ, theo chương trình của tổ chức Putney Student Travels (Mỹ).
“Chương trình này chuyên gửi học sinh đến các nước nghèo để vừa dạy Anh ngữ, xây nhà cho dân và làm nhiều việc từ thiện khác, vừa để các em học sinh Mỹ tìm hiểu tận mắt đời sống sinh hoạt, phong tục văn hóa của người dân, nhất là giao lưu với các bạn học sinh cùng lứa tại đất nước đó” – Chí Nguyễn giải thích rành rẽ bằng tiếng Việt.
Chương trình này từng thực hiện các chuyến đi như vậy đến Tanzania, Ecuador, Costa Rica, Brazil, Ấn Độ ...
Tiếng cười đùa bắt đầu rộn lên một góc ngôi nhà nghỉ trên đường gần biển Mỹ Khê, nơi đoàn ở trọ. “Hôm nay là ngày nghỉ, các em được phép dậy muộn – Chí Nguyễn chỉ về các học sinh vừa ăn sáng vừa đùa nghịch ồn ào ở bàn bên - Còn ngày thường tất cả dậy từ 6 giờ sáng đạp xe đến nơi làm cách đó khoảng 4 cây số. Buổi trưa anh chủ nhà nghỉ mang cơm đến cho đoàn, mãi chiều tối đoàn mới kéo nhau về”.
Các cô cậu học sinh ngó qua kiểu cách đã biết toàn con nhà khá giả, nhiều người còn chưa biết đi xe đạp. Hai cô nàng Liora và Mallorg nhà ở New York và Cali, hôm đầu tiên leo lên xe đã ngã chổng kềnh.
Nói chung là tất cả trước khi tập làm phụ hồ đều phải tập đi xe đạp, nên cứ phải sửa chữa, thay phụ tùng xoành xoạch.
Được cái thầy Chí Nguyễn và cô Amanda Huyền vừa vui tính, nhưng cũng nghiêm khắc mọi thứ đều vào nề nếp.
3 ngôi nhà tình nghĩa do đoàn học sinh Mỹ xây dựng mới nằm trong chương trình giúp đỡ “trẻ em đặc biệt khó khăn” tại xã Tịnh Hòa. Kinh phí mỗi nhà khoảng 1.000 USD từ tiền đóng góp của cha mẹ những học sinh này.
Đây là 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất của xã. Chị Huỳnh Thị Thuận (thôn Xuân An) bị tâm thần, chồng bỏ, nuôi 1 đứa con học lớp 1 trong cảnh không nhà cửa. Chị thường bỏ con lại cho hàng xóm để đi làm thuê ở xa những lúc tỉnh táo.
Tương tự là hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Bông (thôn Trung Sơn) 1 mẹ 1 con, bản thân chị tàn tật. Cũng gần đó là gia đình anh Võ Lộ có tới 6 đứa con, gia cảnh ngặt nghèo...
Phần việc chính của các cô cậu tình nguyện viên “nhí” này chủ yếu là giúp mấy bác thợ chính người địa phương, như đào móng, phụ hồ, chuyển vật liệu ..., lúc rảnh thì tập tô tường, tô nền.
Do không hợp thức ăn, công việc lại vất vả giữa nắng hè miền Trung nên cả đoàn mệt bở hơi tai, ai nấy chân tay bầm dập. Nhưng tất cả đều vui, chẳng ai cáo ốm để ... trốn việc ! Sau hơn 3 tuần, 3 ngôi nhà đã gần hoàn thành.
“Ấn tượng đặc biệt nhất với chúng em, đó là khi đi thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ . Học sinh trung học ở Mỹ đã được học về sự kiện này trong chiến tranh Việt Nam”- Chí Nguyễn tâm sự.
Ấn tượng nữa là những đợt giao lưu với câu lạc bộ tiếng Anh với các bạn học sinh cùng lứa, đi thăm những thắng cảnh gần bên là núi Ấn, sông Trà, đi xa hơn là Hội An.
Và dự định sẽ là đi thăm đời sống đồng bào dân tộc H’Rê ở xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa). “Còn ấn tượng gì nữa ?”. “Dạ, là ... bánh xèo ! Tụi nhỏ đâu có quen ăn món này, nhưng lại thích chui vô bếp của nhà dân để đúc bánh. Nghe “xèo” một cái, thế là đã thấy ... ngon rồi !”.
Phó bí thư Huyện Đoàn Sơn Tịnh Nguyễn Văn Nam, kể : “Tối giao lưu giữa lãnh đạo và đoàn viên thanh niên trong huyện với đoàn học sinh Mỹ bữa rồi thật vui.
Mảnh đất khốc liệt trong chiến tranh và đầm ấm trong hòa bình này đã khiến các em mở mang ra rất nhiều. Nhiều em hứa khi về lại Mỹ sẽ là 1 “đại sứ” để chia sẻ với gia đình những tình cảm nhận được ở Sơn Mỹ”.
Món quà tại đêm giao lưu là những chiếc áo xanh thanh niên tình nguyện mà cả mười mấy cô cậu học sinh đều vô cùng thích thú.