Theo đó, những chia sẻ của NSƯT Kim Tử Long về cải lương khiến những người yêu thích nghệ thuật truyền thống không khỏi suy tư.
Nghệ sĩ Kim Tử Long cho rằng thời hoàng kim của cải lương rơi vào thập niên 80. "Và nếu thời hoàng kim của cải lương là 10 thì bây giờ chỉ còn khoảng 3 - 4. Đó cũng tỷ lệ mà khán giả đến sân khấu”. Nam nghệ sĩ cho rằng ngày nay khán giả không quay lưng lại với cải lương. Họ muốn đến nhà hát để xem nhưng ngày nay lại không có nhà hát chuyên biệt dành cho cải lương.
“Những vở mà tôi diễn nguyên vẹn nhất là năm 2017 với Xử án Phi Giao và Rạng Ngọc Côn Sơn. Suất diễn vở Xử án Phi Giao ở nhà hát Hòa Bình chỉ trong một đêm. Sân khấu “cháy” vé và có khán giả đến với rạp cùng tấm vé chợ đen 6 triệu đồng. Tôi nghĩ nếu vở được diễn hơn 20 chục suất, giá vé thấp hơn thì sẽ có nhiều khán giả đến được rạp xem suất diễn. Người tổ chức không bán vé giá cao sẽ không đủ trả tiền thuê rạp và những chi phí khác. Sân khấu bây giờ không đủ điều kiện cho dựng vở, ngoài rạp hát Bến Thành, Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Hòa Bình. Theo quan điểm cá nhân của tôi, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chỉ là một hội trường cao cấp”- nghệ sĩ Kim Tử Long chia sẻ.
Nam nghệ sĩ thẳng thắn bày tỏ, việc không có một nhà hát dành riêng cho cải lương là một lỗi lầm rất lớn với bộ môn nghệ thuật này. “Đó là việc làm không đúng với cải lương, họ đã bất chấp và đó là lỗi lầm rất lớn”- nghệ sĩ Kim Tử Long nói.
Lý giải thêm, nghệ sĩ Kim Tử Long cho rằng, rất nhiều nhà hát hiện nay có thể biểu diễn cải lương nhưng đó không phải là những nhà hát tiêu chuẩn để dành riêng cho sân khấu cải lương.
“Trước đây, có rất nhiều rạp cho cải lương như: Rạp Thủ Đô, Trương Định, Lao Động… Các đoàn tới hát, biểu diễn cả tuần lễ không lo tiền trả rạp. Bởi các rạp thu lấy tiền theo doanh thu chứ bây giờ chưa hát đã phải trả tiền rạp rồi. Hiện nay, họ không quan tâm bán được bao nhiêu vé, cứ mở màn là phải trả tiền rạp”- nghệ sĩ Kim Tử Long bộc bạch.
Trước thực trạng đó, nghệ sĩ Kim Tử Long kiến nghị cần phải đầu tư đúng cho sân khấu cải lương để kéo khán giả trở lại thánh đường này. “Nghệ thuật truyền thống muốn giữ gìn phải bảo tồn và phát triển chứ không thể sơ sài, dựng cái gì lên cũng gọi là cải lương được. Cần có một sân khấu chuyên nghiệp cho cải lương để các đoàn nghệ thuật về biểu diễn với giá thuê rạp thấp”- nghệ sĩ Kim Tử Long gợi ý.
Trước câu hỏi mở của đạo diễn Lê Hoàng: Nghệ thuật cải lương chết một phần là do các ngôi sao, nghệ sĩ Kim Tử Long hoàn toàn đồng ý. Ông nói: “Tình trạng đó đúng nhưng có nguyên do. Các ngôi sao rất nhiều và ngôi sao hay các nghệ sĩ đều muốn có sân khấu biểu diễn mà không có, diễn cũng chỉ là tạm thời. Như thế thì không thể đòi hỏi sự hết mình, đốt cháy đam mê trong họ được”- nghệ sĩ Kim Tử Long nói.
Nam nghệ sĩ cũng nhấn mạnh, biểu diễn cải lương hiện thời chỉ mang tính chất phục vụ, có mục đích chứ không phải thương mại hay để bán vé. “Chưa có một phương hướng cụ thể để cứu cải lương. Nhưng trước hết, hãy cho chúng tôi một rạp hát chuyên sử dụng cho sân khấu cải lương. Hạn chế mức thấp nhất giá thuê rạp để chúng tôi toàn tâm toàn ý làm kịch bản và biểu diễn thôi”.
“Chúng ta làm chắp vá chứ không làm cơ bản”- đạo diễn Lê Hoàng ủng hộ quan điểm của nghệ sĩ Kim Tử Long.
Cuối chương trình, nghệ sĩ Kim Tử Long có đôi điều nhắn nhủ tới thế hệ đi sau, những người yêu và đang theo đuổi bộ môn cải lương: “Các bạn trẻ rất có tài và với sự chỉ dạy, góp ý, công nghệ hiện đại bây giờ, dễ đưa các bạn lên đài danh vọng. Hãy cứ đam mê và tích tụ niềm đam mê ấy, sẽ có một lúc nào đó chúng ta sẽ có một rạp hát thực sự cho nghệ thuật cải lương”.