Việc ồ ạt trồng mít, trồng sầu riêng, bưởi da xanh, bơ, nhãn... dẫn đến tình trạng nguồn cung tăng cao, giá bán lại sụt giảm do vượt cầu.
Nguồn cung tăng, giá giảm
Huyện Châu Đức là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh với hơn 5.000ha, tăng hơn 500ha so với năm trước. Trong đó, bơ và sầu riêng chiếm diện tích lớn nhất.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, ngụ xã Xà Bang, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, năm 2015, ông đã quyết định chặt bỏ 1,5ha hồ tiêu già cỗi, kém hiệu quả để chuyển sang trồng bơ. Những năm đầu khi bơ bắt đầu cho thu hoạch, năng suất và giá bán ổn định.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, khi diện tích trồng bơ tăng nhanh thì giá giảm mạnh. Nếu như những năm trước, trái bơ có giá từ 50.000-60.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 18.000-20.000 đồng/kg.
"Giá bơ rớt thê thảm trong khi các chi phí khác đều tăng, ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân. “Tôi chuyển sang trồng bơ vì thấy giá cao, nhưng bây giờ càng ngày càng khó khăn, trong khi các chi phí khác tăng cao nên lợi nhuận thấp và không ổn định”, ông Thắng chia sẻ.
Diện tích cây ăn trái tại các địa phương khác như TX. Phú Mỹ, huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc… cũng tăng nhanh, chủ yếu là bưởi da xanh, nhãn, mít...
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của các loại trái cây này chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên đầu ra thiếu ổn định và giá cả bấp bênh.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ có 3.500m2 trồng mít Thái từ năm 2018. Năm 2020, mít có giá bán 8.000 - 10.000 đồng/kg, đến năm 2021, giá chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg và năm nay là 4.000 đồng/kg. “Mít có giá quá thấp, trong khi phân bón tăng cao, nhà vườn bị lỗ nặng”, ông Hoàng cho hay.
Quy hoạch để phát triển bền vững
Theo ngành nông nghiệp, diện tích cây ăn trái của tỉnh bắt đầu tăng từ năm 2015 và tăng mạnh nhất từ năm 2018 đến nay. Nguyên nhân là do giá cao su, tiêu, điều, cà phê… “lao dốc”, khiến nông dân ồ ạt chặt bỏ, chuyển qua trồng cây ăn trái.
Hiện nay, diện tích cây ăn trái của tỉnh đã tăng hơn 3.300ha, tương đương tăng trên 30% so với cách đây hơn 3 năm.
Riêng trong năm 2022 diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng gần 1.374ha so với năm 2021, nâng tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh lên hơn 13.723ha, vượt quy hoạch ngành nông nghiệp đặt ra đến năm 2025 gần 2.000ha.
Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu về mặt hàng nông sản là các loại cây ăn trái trong thời gian tới.
Trong năm 2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 1.096ha diện tích cây trồng. Trong đó, huyện Châu Đức có diện tích chuyển đổi cao nhất là 768ha; huyện Đất Đỏ là 253,2ha; TX. Phú Mỹ là 62ha; Long Điền 7,7ha và Xuyên Mộc là 5,3ha.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, nguyên nhân là do thời gian qua, một số loại cây công nghiệp lâu năm như hồ tiêu, cà phê, cao su vừa rớt giá, cây già cỗi cho năng suất thấp lại bị sâu bệnh gây hại khiến nông dân thua lỗ.
Trong khi đó, nhiều loại trái cây như sầu riêng, bưởi da xanh… liên tục được mùa, được giá, nên nông dân ồ ạt chuyển đổi cây trồng.
Trước tình trạng diện tích cây ăn trái tăng nóng, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo người dân thay vì tăng diện tích trồng ồ ạt thì cần tập trung nâng cao chất lượng vườn cây, đăng ký sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới có tiềm năng trên thế giới.
Ngoài ra, để tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần rải vụ thu hoạch một số loại trái cây bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, đồng thời liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để có đầu ra ổn định, bền vững.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài chú trọng thông tin tuyên truyền, ứng dụng khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ nông dân kết nối các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi.
“Ngành nông nghiệp cũng tiếp tục thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, thực hiện dán tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ nông dân xúc tiến - quảng bá thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp”, ông Đức thông tin thêm.
Link gốc: https://danviet.vn/nong-dan-o-at-trong-sau-rieng-mit-bo-nhan-nganh-chuc-nang-ba-ria-vung-tau-noi-gi-20221114233859969.htm