Gần 1 giờ đêm, phóng viên Tiền Phong theo chân gia đình ông Ngô Văn Hùng ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn đi bẻ vải. Ông Hùng buộc chiếc đèn pin lên đầu, đi phăng phăng về phía quả đồi vải chín đỏ sau nhà. Ánh trăng mờ soi đỉnh đầu, màn sương trắng bàng bạc bao quang đồi vải. Phía xa, xa thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn) ẩn hiển.
Ông Hùng cho biết, thời điểm này, vải thiều chín rộ. Do đặc thù quả vải phải bán vào sáng sớm mới giữ được mẫu mã đẹp và chất lượng tốt nên người trồng vải phải thức suốt đêm bẻ vải. Có thời điểm, người dân đi bẻ vả từ chập tối, rồi về nhà ăn cơm, đến 12 giờ đêm lại tiếp tục đi bẻ vải đến sáng sớm hôm sau.
Gia đình ông Hùng trồng 2 ha vải thiều. Năm nay, đồi vải nhà ông được chọn sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Việc phun thuốc sâu phải đảm bảo theo quy trình và danh mục các loại thuốc theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Trước lúc bán hơn 1 tháng, ông phải ngừng phun tất cả các loại thuốc trừ sâu.
Năm nay, vải nhà ông được mùa, quả đẹp. Một số thương lái quen đến tận vườn đặt mua. Năm nay, gia đình ông Hùng ước sản lượng khoảng 16 tấn. Hiện, ông bán được 3 tấn vải, giá từ 15.000 – 25.000 đồng/kg, tùy từng loại.
Để xây dựng thương hiệu và hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ, ông Hùng và 12 hộ khác trong xã Thanh Hải thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hải. Hợp tác xã đi theo hướng sản xuất sản phẩm cây ăn quả an toàn (vải thiều, cam, bưởi…). Các thành viên đang trồng vải và các loại cây ăn quả khác theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap (tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu).