Chửi mắng, thách thức nhau
Ngày 22/9, trên mạng xã hội lan truyền clip dài gần 3 phút ghi lại màn đối thoại của một nam sinh với giảng viên của mình trong một lớp học online được cho là của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Trong đoạn clip này, một nam sinh viên đã có lời lẽ, thái độ không hay khi giảng viên hỏi lý do không thuộc bài. Trước lời lẽ hỗn xược của sinh viên, giảng viên vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng hỏi lý do thì nam sinh kia lại tiếp tục văng tục, chửi bậy, thậm chí là thách thức giáo viên.
Sau đó, nam sinh này chủ động rời khỏi lớp học trong sự ngỡ ngàng của thầy giáo và các bạn cùng lớp. Xen kẽ lời lẽ của nam sinh là những giọng nói của một số bạn cùng lớp như: “Bạn sai rồi”, “Thầy quá hiền”…
Trước đó một ngày, mạng xã hội lan truyền một clip dài 25 giây ghi lại cảnh một giảng viên của Trường ĐH Bách khoa TPHCM tức giận, lớn tiếng khi sinh viên làm bài chưa đúng: "Như là cái óc trâu vậy, nói hoài rồi cũng không làm, tôi giải cho thằng này, thằng kia không nghe rồi cũng y chang. Một việc đơn giản nhất, các cái số đánh nó phải nằm trong hình chữ nhật, kêu hoài tại sao không làm? Tại sao không làm? Tại sao?". Nam sinh viên nhỏ nhẹ đáp: "Dạ, để em chỉnh lại", nhưng thầy giáo tiếp tục hét lên: "Tại sao không làm?"…
Trước đó ít ngày, dư luận cũng xôn xao khi một clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh một lớp học online của một giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đuổi nam sinh viên ra khỏi lớp học online và có những phát ngôn không đúng chuẩn mực. Nguyên do là vì trời mưa, nam sinh này không nghe được lời thầy giáo giảng bài nên yêu cầu thầy giảng lại. Tuy nhiên, giảng viên này sau khi chất vấn nam sinh kia và đã đuổi cậu này ra khỏi lớp. Chưa dừng lại ở đó, giảng viên này còn yêu cầu cả lớp mở webcam lên để thầy nhìn rõ mặt, đồng thời yêu cầu sinh viên mở mic nói “Tôi tên...., có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường” khi gọi tên từng sinh viên.
Áp lực dạy online quá lớn?
Theo giải trình của những người liên quan đến các việc trên, đa phần là do áp lực quá lớn khi dạy học online dẫn đến việc họ không kiềm chế được cảm xúc. Giảng viên L.M.T, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (nhân vật chính trong một clip ở trên) tường trình rằng, do đặc thù môn học khó, nên giảng viên thống nhất từ đầu yêu cầu sinh viên tập trung nghe giảng, không hiểu phải hỏi ngay, và giảng viên sẽ đặt nhiều câu hỏi để nắm tình trạng tiếp thu của sinh viên.
Ông T. cho rằng, việc cho sinh viên ra khỏi lớp, theo ý kiến chủ quan của ông là do sinh viên không tập trung nghe giảng và chưa thực hiện đúng các thống nhất ban đầu của lớp học, việc làm này chỉ để gây sự chú ý và để định hướng các sinh viên tập trung vào bài học, sau đó ông đã để sinh viên quay lại lớp học để không mất bài...Ông T. nhận lỗi vì đã nóng tính và thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ cũng như xử lý tình huống sư phạm. Ông xin lỗi về các câu hỏi kích thích người học của mình đã vô tình gây xúc phạm đến sinh viên và người xem đồng thời cam kết sẽ khắc phục.
PGS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, sau khi làm việc với Ban giám hiệu, giảng viên xuất hiện trong clip đã nhận mình sai khi có lời lẽ chưa phù hợp, đồng thời xin lỗi tập thể lớp. Theo ông Phúc, để xảy ra sự việc này cũng một phần trách nhiệm thuộc về trường. “Ngay sau sự việc này, Ban giám hiệu đã có thư ngỏ gửi đến giảng viên, cho rằng việc chuyển sang dạy online gây không ít phiền toái, trở ngại đến tâm lý của thầy cô. Nhà trường mong giảng viên "kìm hãm các mối bực dọc tâm lý, giữ các ứng xử đúng mực, tránh các từ ngữ, các phát biểu quá nặng nề", ông Phúc nói.
Trong khi đó, TS Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic lên tiếng trên trang cá nhân cho rằng đó là một bài học đứng trên góc nhìn sư phạm. Tuy nhiên theo góc nhìn cá nhân, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và phần xử lý tình huống xứng đáng được biểu dương. Ông Thành cũng kêu gọi sinh viên không bàn luận thêm về việc này nhằm tránh tạo áp lực ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của sinh viên và gia đình. Trường cũng sẽ căn cứ vào tường trình của thầy giáo, của sinh viên, của lớp trưởng và các yếu tố liên quan khác để ra quyết định xử lý vụ việc.
Chia sẻ về những áp lực khi dạy học online, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho rằng, đứng lớp là phải kiểm soát được lớp học, dù là offline hay online. Đây là yêu cầu bắt buộc và nếu thầy cô không làm được việc này thì đừng nói gì đến vấn đề dạy học, chuyển tải bài giảng như thế nào.
Theo ông Sĩ, ngay từ buổi học đầu tiên, thầy cô phải quy ước cách thức làm việc của mình để trò tuân thủ. Lớp học phải có luật lệ, chuẩn mực và chế tài rõ ràng. Đương nhiên phải phù hợp với quy định hiện hành. Lớp càng lớn thì càng phải nghiêm. Giáo viên cũng phải tạo được không khí vui vẻ để thầy và trò đều có tâm lý thoải mái hướng tới việc sao cho thầy chuyển tải được kiến thức hay nhất và trò tiếp thu được bài học tốt nhất. Cũng theo ông Sĩ, điều quan trọng nữa là giáo viên phải biết kiềm chế lời ăn tiếng nói khi nóng giận.