Học viện Tài chính:

Nơi chắp cánh cho nhiều thế hệ doanh nhân

TP - Với tầm nhìn xa và chiến lược phát triển bền vững, những năm qua Học viện Tài chính đang từng bước khẳng định mình trên con đường trở thành một trong những trường đại học hàng đầu về tài chính - kế toán không chỉ ở Việt Nam và định hướng tầm nhìn quốc tế.
NGƯT.PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện chủ trì hội thảo khoa học quốc gia về chiến lược phát triển Học viện Tài chính

Chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế

Học viện Tài chính đang thực hiện nhiều chiến lược đồng bộ, từ đổi mới chương trình đào tạo, cải tiến phương pháp giảng dạy đến nâng cao trình độ giảng viên, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên toàn cầu. Mục tiêu hướng đến là đào tạo ra những chuyên gia tài chính không chỉ có kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn có tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa dạng và toàn cầu hóa.

Xác định chiến lược phát triển toàn diện, Học viện Tài chính phấn đấu đến năm 2030 trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo mô hình kết hợp với 3 cấp; tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh để thu hút sinh viên, học viên xuất sắc, có năng lực; phát huy và giữ vững vị thế cơ sở đào tạo nghiên cứu khoa học công nghệ hàng đầu trong nước và tiệm cận khu vực. Bên cạnh đó,nhằm tối đa hóa các nguồn lực trong quá trình phát triển, học viện cũng xác định cụ thể hơn nguồn lực của hai viện Viện Kinh tế - Tài chính và Viện đào tạo quốc tế sao cho phù hợp với điều kiện mới, cũng như phù hợp với định hướng, thế mạnh cốt lõi của Học viện.

Ngoài ra, Học viện Tài chính cũng xác định một trong những yếu tố then chốt trong kế hoạch phát triển của Học viện là việc cập nhật, chuẩn hóa chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế. Học viện Tài chính đã phát triển nhiều chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động toàn cầu. Học viện cũng chú trọng đẩy mạnh các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, hợp tác đào tạo với các trường đại học uy tín ở Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore và nhiều quốc gia nhằm mở ra cơ hội tiếp cận môi trường học tập và làm việc quốc tế cho sinh viên.

Học viện trao quà hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3

Cái nôi của nhiều doanh nhân thành đạt

Sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tài chính đã đào tạo được hơn 500 tiến sĩ, hơn 7.000 thạc sĩ và hơn 110.000 cử nhân kinh tế cho nước nhà và gần 600 cử nhân, thạc sĩ cho đất nước bạn Lào, Campuchia và được xem như là cái nôi bồi dưỡng, nâng bước, chắp cánh cho nhiều thế hệ sinh viên.

Một điểm nhấn quan trọng trong quá trình học tập tại Học viện Tài chính là tinh thần khởi nghiệp được khơi dậy từ rất sớm. Nhà trường không ngừng khuyến khích sinh viên phát triển ý tưởng kinh doanh, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và làm việc nhóm để xây dựng các dự án thực tế. Nhiều cựu sinh viên của Học viện Tài chính đã từ những ý tưởng khởi nghiệp nhỏ, vươn lên trở thành những doanh nhân thành đạt, dẫn dắt những doanh nghiệp lớn. Rất nhiều cựu sinh viên đã trở thành cán bộ quản lý kinh tế chủ chốt, những chính khách nổi tiếng, có tài, có tâm đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trong đó có những doanh nhân nổi tiếng như bà Hà Thị Thu Thanh - người được mệnh danh là “nữ tướng ngành kiểm toán”. Bà tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán (nay là Học viện tài chính). Hiện bà Thanh là Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE),...Hay ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Taseco cũng là cựu sinh viên Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) và đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không.

Ngoài ra còn nhiều doanh nhân thành đạt cũng từng là sinh viên của Học viện Tài chính như: Ông Mai Hồng Hải - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MTV Xi măng VICEM Hải Phòng; ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank; ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; doanh nhân Trần Trọng Hiếu - Chủ tịch Tập đoàn IDJ GROUP; ông Phùng Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam,....