Nổ súng bắn người chống đối: Làm sao tránh lạm dụng?

TPO –Sau khi Bộ Công an ra dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, trong đó có trường hợp nổ súng, nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện.

> Ủng hộ nổ súng nhưng còn băn khoăn
> Cần quy định thêm trường hợp công an nổ súng bắn người?
> Đề xuất cho bắn người chống cán bộ thi hành công vụ

Đối tượng chống người thi hành công vụ.

Chỉ làm rõ Pháp lệnh 16

Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an, cho rằng, chỉ có những hành động gây nguy hại đến tính mạng người thi hành công vụ, mới được phép sử dụng súng.

 Pháp lệnh 16 quy định lực lượng nào được nổ súng, được sử dụng vũ khí. Sử dụng súng là vấn đề hệ trọng vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người khác nên phải có sự chỉ đạo rất kỹ. Trong Pháp lệnh 16, có 2 nguyên tắc: Nổ súng khi cùng tập thể trong đơn vị chiến đấu vây bắt tội phạm và cá nhân nổ súng khi thi hành công vụ. Tất cả đều đã được quy định rõ ràng 

Đại tá Trần Thế Quân

“Thực ra, đây không phải quy định mới, cũng không phải mở rộng quyền sử dụng vũ khí cho lực lượng thi hành công vụ. Nó chỉ làm rõ quyền đã được quy định trong Pháp lệnh 16, cũng như các quy định khác liên quan đến vấn đề này.

Ngoài ra, nó còn làm rõ hơn về nguyên tắc, cách thức thực hiện để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho lực lượng thi hành công vụ, đồng thời làm căn cứ để ngăn ngừa việc lạm dụng quy định.

Chỉ có những hành động chống đối gây nguy hại cho tính mạng của người thi hành công vụ mới được phép sử dụng súng. Đó là loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như tổ chức buôn bán ma túy, điều khiển phương tiện lao thẳng vào xe, thậm chí dùng súng bắn người thi hành công vụ…

Lúc đó, lực lượng thi hành công vụ phải dùng súng bắn vào phương tiện hoặc vào đối tượng chống người thi hành công vụ để phòng vệ một cách tương xứng như quy định trong Bộ Luật Hình sự” -  Đại tá Trần Thế Quân nhấn mạnh.

“Quy định được bắn” mà như thế thì chưa ổn

Từ năm 2002 đến tháng 6 năm 2012 cả nước xảy ra 8.513 vụ chống người thi hành công vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó, số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng. Trong đó trên 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng công an...

Trích dự thảo Tờ trình Chính phủ của Bộ Công an

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển nêu thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, ngày càng nhiều những trường hợp phạm tội, nhất là tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thường hung hãn, thực hiện chống đối người thi hành công vụ đến cùng, quyết liệt, bất kể mạng sống nhằm quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội hoặc để tẩu thoát.

Với những đối tượng như vậy, pháp luật không thể nhân nhượng. Ngành công an áp dụng biện pháp mạnh như được bắn trực tiếp để ngăn chặn hậu quả là việc làm cần thiết và đáng được ủng hộ.

Ông Khiển cũng lo ngại, khái niệm “dấu hiệu” quá rộng của nghị định khi việc xác định dấu hiệu mang tính chủ quan của người thực thi công vụ.

Giới hạn của cách ứng xử từ sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật tới nổ súng trực tiếp cũng không được rạch ròi, dễ gây ra sự lạm dụng đối với người thi hành công vụ.

Ông Khiển ví dụ: trong trường hợp lâm tặc chống người thi hành công vụ một cách quyết liệt, bất kể mạng sống kiểm lâm thì phải nổ súng. Hoặc đối tượng buôn lậu trên sông, khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng tàu, thuyền để kiểm tra mà quyết lao vào người thi hành công vụ thì phải nổ súng trấn áp.

Nhưng giờ trên đường phố, một người vi phạm giao thông thì phải đặc biệt cân nhắc, cứ chống người thi hành công vụ mà nổ súng là không được. Ví dụ như đối tượng không chấp hành dừng đèn xanh đèn đỏ, bỏ chạy thì nổ súng cũng là việc không cần thiết.

Công an Hà Nội thu súng trong người một đối tượng.

Chưa thỏa đáng

Luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nội dung như trong tờ trình Bộ Công an nêu do pháp luật quy định về hành vi chống người thi hành công vụ chưa đầy đủ để đề xuất lý do được nổ súng vào đối tượng chống người thi hành công vụ là chưa thỏa đáng.

 Việc quy định cán bộ thi hành công vụ được phép nổ súng trực tiếp vào người chống đối nếu được thông qua là 'không khác một bản án tử hình khỏi phải qua xét xử' 

Bởi, việc sử dụng vũ khí nói chung, trong đó có vũ khí thô sơ đã được quy định trong pháp lệnh Về quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (pháp lệnh 16), trong đó có quy định rất rõ các trường hợp cán bộ thi hành công vụ được phép nổ súng.

“Theo quan điểm của tôi, cần phải nhìn dưới góc độ là ngoài các trường hợp được phép nổ súng mà pháp lệnh nêu thì Chính phủ không được quy định thêm trường hợp nổ súng nào khác.

Mặt khác, nếu cho rằng nghị định này nhằm hướng dẫn cụ thể thêm pháp lệnh thì có vẻ như Bộ Công an đang nhầm lẫn. Không có chỗ nào trong pháp lệnh 16 nói rằng cán bộ thi hành công vụ được phép nổ súng khi thấy “dấu hiệu” mà đều nói là đối tượng đó đang thực hiện các hành vi nguy hiểm như cướp súng.

Chúng ta biết rõ rằng, dấu hiệu tội phạm chỉ mới là cơ sở để khởi tố thôi và phải qua quá trình điều tra 3-4 tháng sau mới xác định được là có tội hay là không. Cho nên mới chỉ thấy dấu hiệu mà đã được nổ súng thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy”, ông Phất nói.

Tránh xây dựng quá nhiều văn bản dưới luật

Luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội) lại cho rằng, các hành vi tự vệ hay phòng vệ chính đáng đã được pháp luật quy định rất cụ thể.

Việc sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ cũng đã được quy định cụ thể tại Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Người thi hành công vụ đương nhiên được phép tự bảo vệ chính mình cũng như thực thi quyền lực nhà nước...

“Nếu cần thiết đề xuất những tình huống mới thì cần “luật hóa” bằng các điều luật cụ thể, tránh xây dựng quá nhiều văn bản dưới luật, hướng dẫn. Việc cứ liên tiếp bổ sung, sửa đổi, chỉnh sửa bằng các văn bản dưới luật sẽ rất dễ gây ra tình trạng rối loạn, người dân rất khó nắm bắt...” - luật sư Hà Đăng nói.

Ý kiến bạn đọc

Bạn đọc Phương Lam rất bức xúc và nhức nhối với loại tội phạm chống người thi hành công vụ ngày một gia tăng và phức tạp. "Tôi đồng ý việc bắn vào phương tiện, còn nếu trường hợp bất khả kháng phải bắn vào người thì nên tránh đầu, ngực để có cơ hội cấp cứu, điều tra xét xử".

Bạn đọc Võ Tá Luân: Cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo trên của Bộ công an. Để đảm bảo tính mạng cho người thi hành công vụ và người dân phải có biện pháp như trên nhằm răn đe và trấn áp các loại tội phạm manh động và coi thường pháp luật.

Bạn đọc Nguyễn Văn Dung: Chỉ cần đối tượng không chấp hành mệnh lệnh buông vũ khí và có dấu hiệu kháng cự là có thể nổ súng trấn áp.

Bạn đọc Đỗ Thị Hải Yến: Nếu người thi hành công vụ chính trực thì đây là vấn đề rất tốt, còn ngược lại là kẽ hở dễ lạm dụng khi thi hành công vụ.

Bạn đọc Lê Uy Lực: Tôi phản đối đề xuất này. Hiện nay, lực lượng công an, nhất là công an xã phường chưa được đào tạo bài bản, chưa nắm hết các qui định của luật pháp nên đã xảy ra quá nhiều vụ lạm quyền: hạch sách, bắt bớ trái phép,đánh dân, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ sai qui định.

Bạn đọc Bùi Kim Hiền: Tôi thấy đề xuất cho bắn người chống cán bộ thi hành công vụ là không ổn, bởi có những trường hợp lỗi do cán bộ, nhưng khi vụ án đã xảy ra thì lỗi đó dễ đổ ngược cho người vi phạm. Hơn nữa, Cảnh sát là những người được học nghiệp vụ khống chế tội phạm rất bài bản, chẳng lẽ phải dùng đến súng đạn?

Bạn đọc Nguyễn Thu: Cảnh sát nước ngoài chỉ bắn người chống đối khi trên tay họ có hung khí chống lại. Theo tôi, công an chỉ được bắn bị thương người chống đối sau khi bắn chỉ thiên cảnh cáo vì nếu không sẽ có hiện tượng sử dụng súng không đúng quy định thì lại càng rắc rối thêm...

N.C.K tổng hợp

Theo Viết