Gia Lai:

Nở rộ chiêu trò lừa đảo dân nghèo

TP - Lợi dụng mác cán bộ, nhiều đối tượng đã dụ dỗ người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vay tiền chính sách, sau đó cho họ vay lại để hưởng chênh lệch. Vì tin lời “cán bộ”, không ít người đã trở thành “con mồi” của kẻ lừa đảo, với số tiền bị chiếm đoạt lên hàng chục tỷ đồng.
Một góc làng nghèo Kueng Đơn

Chi hội trưởng phụ nữ đi lừa đảo

Thượng tá Ngô Gia Cường, Phó trưởng Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, Công an tỉnh Gia Lai vừa khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Nga (SN 1963, trú tại thôn Kueng Đơn, xã Hbông, huyện Chư Sê, Gia Lai), Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ, kiêm tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm thôn Kueng Đơn để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong khoảng thời gian từ năm 2016 - 2018, bà Nga tìm gặp một số người dân tộc thiểu số ở thôn Kueng Đơn dụ dỗ họ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh huyện Chư Sê để cho bà này vay lại với lời hứa trả lãi suất cao hơn tiền lãi mà người dân phải trả ngân hàng. Tin tưởng bà Nga là cán bộ nên một số người đã đi vay ngân hàng về cho bà này vay lại.

Ông Đinh Plen bị lừa 30 triệu tiền vay vốn

Ông Đinh Plen (một trong những nạn nhân của bà Nga) kể lại: bà Nga cùng một người tìm đến nhà bảo ký tên vào hồ sơ vay 30 triệu đồng. Sau khi ngân hàng giải ngân, bà Nga cho ông Đinh Plen 500.000 đồng để mua gạo, giữ lại toàn bộ số tiền.

Cũng như ông Plen, chị Siu H’mi (thôn Kueng Đơn) cho biết, được bà Nga “phát” 2 triệu đồng mua gạo sau khi đứng tên giúp bà Nga vay 30 triệu đồng của ngân hàng. Các nạn nhân đều cho hay, họ chỉ việc ký tên vào hồ sơ, còn mọi việc giao dịch với ngân hàng cho tới lúc mang tiền về đều do bà Nga thực hiện, họ hoàn toàn không biết gì.

Thượng tá Ngô Gia Cường cho biết, sở dĩ, bà Nga lừa được nhiều người vì lợi dụng vào việc được Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh huyện Chư Sê ký hợp đồng giao nhiệm vụ đi thu tiền từ các hộ vay vốn.

Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng ghi nhận có 15 hộ dân ở thôn Kueng Đơn bị bà Nga lừa, chiếm đoạt gần 450 triệu đồng. Sau khi lừa tiền của các hộ dân, bà Nga bỏ trốn và bị bắt giữ tại Hải Phòng.

Sập bẫy vì… hám tiền chênh

Không chỉ bà Nga, Công an Gia Lai cũng đã bắt giữ nhiều người nguyên là cán bộ, giáo viên có hành vi lừa đảo. Đơn cử, bà Đỗ Thị Minh Huệ - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã lợi dụng uy tín cá nhân là người có chức vụ trong ngành giáo dục, lại có nhà cửa, địa chỉ rõ ràng để vay tiền nhiều người với lý do “đáo hạn ngân hàng”.

Tin lời bà Huệ cam kết vay ngắn ngày, trả lãi cao, bà N.T.S (trú đường Ngô Gia Khảm, phường Phù Đổng, Pleiku) đã cho bà Huệ vay 1,3 tỷ đồng. Sau khi cầm tiền của các nạn nhân, bà Huệ chiếm đoạt luôn. Mới đây, CQĐT đã bắt bà Chu Nữ Diệu Huyền (35 tuổi, trú Pleiku), nguyên cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai vì hành vi chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều cá nhân.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, Huyền và đồng phạm Lê Thị Thương (32 tuổi, trú Pleiku, nguyên cán bộ ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Gia Lai) cũng dùng chiêu “vay tiền đáo hạn”, rồi chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng của nhiều người ở Gia Lai.

Nói về trường hợp ngày càng nhiều đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đi lừa dân nghèo, Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, phân tích: “Người nghèo thường thiếu kiến thức về pháp luật, luôn trong tâm trạng thiếu tiền. Khi nghe những cán bộ rêu rao lãi suất cao, lãi suất thấp, nhiều người không hiểu, cái họ cần là đồng tiền trước mắt nên nhắm mắt ký. Về phía cán bộ, họ vì động cơ cá nhân. Cán bộ ăn được cả “hai đầu”. Càng làm được nhiều, cán bộ càng có nhiều lợi ích”.

Vị luật sư này đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vạch trần các thủ đoạn lừa đảo để người dân ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số không trở thành “con mồi” của kẻ xấu.