NLĐ tại Malaysia: Các vụ việc nổi cộm đã được giải quyết

TP - Gần đây, xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới người lao động (NLĐ) Việt Nam làm việc tại Malaysia khiến dư luận trong nước đặc biệt quan tâm. PV Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Toàn - Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia.
Ông Vũ Đình Toàn

Để biết được kết quả giải quyết các vụ việc và tìm hiểu các biện pháp nhằm ổn định lại thị trường này, tham dự cuộc họp giao ban 6 tháng đầu năm 2007, do Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur, PV Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Toàn - Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia.

Ông Toàn cho biết: Theo thông báo của Cục Nhập cư Malaysia, đến thời điểm cuối tháng 12/2006, số lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia trên 106.000 người.

Nếu tính thêm số lao động sang Malaysia từ cuối tháng 12/2006 đến nay, ước tính có gần 110.000 người đang làm việc tại Malaysia. So với các thị trường khác, Malaysia vẫn là nước có số lượng lao động đông nhất.

Hiện, thu nhập bình quân của NLĐ nếu trừ chi phí, đạt 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Những lao động nào đã làm việc lâu năm (hết năm thứ 3 và được gia hạn thêm năm thứ 4), hằng tháng có thể đạt được trên dưới 1.000 Ringgít/người/tháng (khoảng 4.800.000 VNĐ). Ngoài ra, nhà máy nào có nhiều đơn hàng thì thu nhập của NLĐ theo đó cũng cao hơn.

Dư luận trong nước đang đặc biệt quan tâm tới những việc nổi cộm xảy ra gần đây liên quan đến lao động Việt Nam, ông có thể cho biết kết quả xử lý những vụ việc đó?

Vụ đình công xảy ra tại Nhà máy găng tay cao su ở bang Selagor đã được giải quyết ổn thoả. Chủ sử dụng lao động đã cam kết cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ; công nhân đã đi làm trở lại. Vụ thứ hai được báo chí trong nước nhắc đến nhiều là việc 3 lao động ở Nhà máy chế tác vàng Yikon về nước. 

Lý do họ đưa ra là vì 3 lao động này tổ chức đình công. Mà đình công theo luật pháp Malaysia là bất hợp pháp. Còn việc nói NLĐ bị đánh đập là không có cơ sở. Khi nhà máy đưa 3 lao động Việt Nam về nước, một số lao động khác cố tình co kéo lại, dẫn đến xô đẩy, một số lao động ngã và bị xây xước.

Sau khi sự việc xảy ra, chính những NLĐ này cũng thừa nhận, do xô đẩy nên họ bị đuối sức và ngã. Hiện, 23 lao động do Cty Sovilaco và 6 người trước đây của Tổng Cty đường sông miền Nam đưa đi đã trở lại làm việc ổn định.

Còn vụ liên quan đến 27 lao động của Cty Milaco  đưa đi, bị cảnh sát bắt khi đang làm việc tại nhà máy, lỗi chủ yếu thuộc về chủ sử dụng lao động vì đã không làm thẻ cư trú và thẻ lao động cho NLĐ. Khi cảnh sát kiểm tra, họ đã bắt giữ 27 lao động đưa vào trại tạm giam.

Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ sử dụng và Cty Việt Nam. Cty Milaco đã cử cán bộ  sang giải quyết, nhưng vụ việc quá phức tạp nên Ban đã gửi công hàm tới các cơ quan chức năng Malaysia để can thiệp, yêu cầu đưa số lao động này ra khỏi trại tạm giam.

Tuy nhiên, để các lao động ra được phải có 2 điều kiện: Chủ sử dụng phải đồng ý làm thủ tục để lao động tiếp tục ở lại làm việc; Lao động nào có nguyện vọng về nước sẽ được giải quyết cho về nước.

Cho đến thời điểm này, các vụ việc nổi cộm xảy ra trong thời gian qua, cơ bản đã được giải quyết.

Việc liên tiếp xảy ra những vụ việc như vậy có ảnh hưởng đến tâm lý NLĐ Việt Nam? Liệu các doanh nghiệp Malaysia có hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam trong thời gian tới?

Đại bộ phận NLĐ Việt Nam làm việc tại Malaysia vẫn được đảm bảo việc làm, có thu nhập ổn định, điều kiện sinh hoạt tốt. Tuy nhiên, đặc thù của năm 2007 là sự cạnh tranh giữa lao động Việt Nam và lao động các nước khác trong khu vực rất mạnh nên số lượng lao động Việt Nam sang Malaysia trong quý I năm 2007 không bằng quý I năm 2006.

Hơn nữa, với việc mở ra nhiều thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Canada..., NLĐ Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn công việc, không giống như những năm 2003-2004 khi Malaysia đang là thị trường tâm điểm.

Theo ông, tới đây cần phải áp dụng những biện pháp gì để chấn chỉnh lại thị trường Malaysia?

Các doanh nghiệp và đại diện doanh nghiệp phải rà soát lại các vấn đề: Xem xét điều kiện việc làm, thu nhập, điều kiện sinh hoạt của NLĐ; xem cư trú của lao động có đảm bảo không; vụ việc nào phát sinh cần phải xử lý kịp thời. Ngoài ra, để giữ vững thị phần tại Malaysia, chúng ta cần phải phát triển trong thế ổn định.

Phải quán triệt chủ trương của Bộ là nhanh chóng ổn định thị trường và tăng thị phần lao động. Yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phải rà soát lại điều kiện làm việc, ăn ở, thu nhập tại các Cty, xí nghiệp trước khi đưa lao động sang Malaysia, nhất là với những đơn hàng lớn.

Phong Cầm
Thực hiện