Đó là 3 chị em Trần Thị Thu Thảo, Trần Thị Như Ngọc và Trần Thị Cẩm Nhung, con của vợ chồng anh Trần Đình Trung và chị Nguyễn Thị Đổng. Điều đặc biệt là Thu Thảo, Như Ngọc và Cẩm Nhung là chị em sinh ba.
Vợ chồng anh Trung và chị Đổng xây dựng gia đình vào năm 1989 và sinh được một cô con gái đầu lòng. Cuộc sống cơ cực của đôi vợ chồng trẻ mới lập nghiệp ở làng quê nghèo luôn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với vài sào ruộng lúa, mấy luống mì trên đồi và những tháng ngày vợ chồng anh Trung lặn lội đi làm thuê, cuốc mướn…
Để cho vui cửa vui nhà, ít năm sau vợ chồng anh quyết định sinh thêm một cháu nữa hy vọng là con trai cho “nhà có nếp có tẻ”. Tháng 7/1996, chị Đổng chuyển dạ và sinh liền một lúc 3 đứa con gái.
Anh Trung kể lại: Khi vừa sinh ra, ai cũng hết hồn vì lúc đó đâu có siêu âm đâu mà biết vợ mình mang mấy đứa con trong bụng, trai hay gái. Mà sinh ra đứa nào cũng ốm yếu chỉ hơn 1 cân, hộ lý bảo sống được ngày nào hay ngày đó chứ không hy vọng cả 3 đứa sẽ lớn lên mạnh khỏe. Hơn nữa mới sinh ra được vài ngày thì các cháu bị nhiễm trùng rốn…”.
Chưa hết, khi chào đời cả 3 cháu đều không có sữa mẹ nên phải đi xin sữa của người khác. Đến khi mẹ cháu có sữa thì không đủ cho cả 3 bú, thế là anh cũng phải chạy vạy đi mượn tiền mua sữa về cho con. “Lúc đó khó khăn lắm, mua được mấy lon sữa bò là quý rồi chứ tiền đâu mà mua sữa hộp như bây giờ”, anh Trung tâm sự.
Thương hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng anh Trung, bà con hàng xóm, nội ngoại người cho cân gạo, lon sữa, người cho ít tiền… Một số tổ chức từ thiện, doanh nghiệp nghe chuyện nhà anh Trung cũng tìm tới giúp đỡ, hỗ trợ. Cứ như thế như “trời sinh rồi trời nuôi”, rồi cả 3 cũng lớn lên mạnh khỏe.
Chi Đổng khoe với chúng tôi: “Từ khi học lớp 1 đến lớp 12, cả 3 cháu đều học rất chăm học và năm nào cũng đạt danh hiệu “Học sinh tiên tiến”, “Học sinh xuất sắc” của các trường, về nhà các cháu đều siêng năng phụ giúp công việc gia đình…
Năm 2013, do kinh doanh trái pháp luật nên anh Trung rơi vào vòng lao lý, chị Đổng ở nhà bám ruộng đồng để lo cho 3 đứa con gái theo học năm cuối cấp với nhiều những khoản tiền cần chi tiêu. Ngoài giờ học, cả 3 tập trung phụ giúp mẹ chăn nuôi, đi chợ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, công việc đồng ruộng... Cháu nào cũng nết na, hiếu thảo.
Ngày thi đại học năm 2014 đến gần, chị Đổng đứng ngồi không yên vì biết lấy đâu ra tiền triệu để cho 3 đứa con gái đi thi, Thảo và Ngọc thi ở ĐH Huế, còn Nhung vào thi ở ĐH Quảng Nam. Thế là hàng xóm láng giềng, hai bên nội ngoại lại đến góp tiền cho 3 chị em làm lộ phí với mong ước “để ba chị em nó cũng vào đại học như người ta”.
Sau thời gian hồi hộp chờ đợi, khi các trường công bố điểm, cả ba chị em vui mừng khi biết tin ba chị em đều đạt điểm trúng tuyển. Trong đó, Thảo đỗ khoa Báo chí ĐH Khoa học Huế với 18 điểm, Ngọc đỗ khoa Du lịch ĐH Huế với 19 điểm và Nhung đỗ ngành Sư phạm mầm non ĐH Quảng Nam với số điểm 16,5. Niềm vui như nhân đôi khi anh Trung cũng vừa trở về sinh sống với gia đình sau những ngày xa cách vì chịu án.
Anh Trung tâm sự: “Bây giờ, có khó khăn thì hai vợ chồng tôi cũng cố mà lo cho 3 đứa ăn học. Giờ mà cho 1 đứa đi học còn 2 đứa nghỉ ở nhà thì không thể được. Trước mắt là tiền học phí vào đầu năm học, 3 đứa chắc cũng trên dưới chục triệu đồng, còn tiền ăn ở hàng tháng mỗi đứa cũng vài triệu đồng nữa… Thôi thì đến đâu lo đến đó như hồi xưa tôi nghĩ sẽ không nuôi nổi 3 đứa nhưng giờ thì các cháu cũng đã lớn như thế này đó thôi.”
Trò chuyện với chúng tôi, ba chị em Thảo, Ngọc và Nhung cho biết sẽ cố gắng vượt khó, dành hết tâm huyết để học tập tốt, sau này sẽ giúp ích cho xã hội, quê hương và gia đình mình.
Trao đổi với PV Dân trí, cô Võ Thị Mỹ Thanh - chủ nhiệm cả 3 năm của ba em ở Trường THPT Nguyễn Hiền (huyện Duy Xuyên) khen các em chăm ngoan, dễ thương và hòa đồng với bạn bè trong lớp. “Ở trường các em rất chăm chỉ học hành. Cả 3 em cùng thi đỗ đại học lần này tôi cũng thấy vui lắm”, cô Thanh tâm sự.
Theo Công Bính