Những việc làm sai lầm khiến đôi môi của bạn già nua, nứt nẻ

TPO - Môi là vị trí hiếm gặp của ung thư da nhưng vì thế mà khó điều trị hơn. Nếu biết được điều này hẳn là bạn sẽ chăm sóc kỹ hơn đôi môi của mình.

Cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể, ở đây cụ thể là cặp môi là bạn không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, hoặc tệ hơn, để bị cháy nắng.

Bôi kem chống nắng cho môi, bạn đã thực hiện chưa?

Ánh nắng mặt trời có tác hại với làn da của chúng ta bất cứ lúc nào, ngay cả trong những ngày mưa, nhiều mây. Môi của bạn có thể bị khô, nứt nẻ môi do tiếp xúc lâu với tia UV, điều này cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị dày sừng actinic, một loại tiền ung thư hình thành trên mặt, môi, tai và da đầu.

Cặp môi mềm mọng là ước muốn của nhiều phụ nữ.

Không giống như khối u ác tính thường được thể hiện bởi nốt ruồi, cục u và dấu vết bất thường, dày sừng actinic xuất hiện dưới dạng các mảng da nhỏ, khô, có vảy. Những mảng da này thường có màu đỏ, sáng, rám nắng sẫm, trắng, hồng, có thể phẳng hoặc gồ lên. Đơn giản, bác sĩ da liễu Vũ Thái Hà (BV Da liễu TW) khuyên bạn hãy luôn lưu tâm đến cặp môi thường xuyên bị nứt nẻ của mình. Không đơn giản là bạn chỉ đang bị… nẻ môi đâu.

Son dưỡng môi có chỉ số SPF tối thiểu là 30 mỗi ngày trước khi trang điểm là hành động bạn cần ghi nhớ. Nếu không có son dưỡng môi SPF 30, bạn có thể bôi một ít kem chống nắng dành cho da mặt lên môi.

Bạn cũng nên thoa son dưỡng trước khi đi ngủ, nhiều người bị cảm, nghẹt mũi thường thở bằng miệng trong khi ngủ, điều này cũng khiến môi bị khô.

Một lời khuyên nhỏ nhưng hữu ích, đó là bạn nên tránh liếm môi vì thói quen này càng khiến môi khô hơn. Liếm nhiều lần có thể làm mất đi lớp màng nhờn trên bề mặt bảo vệ môi khỏi bị mất độ ẩm, dẫn đến nứt môi.

Không phải son dưỡng môi nào cũng phù hợp với bạn

Son dưỡng môi đôi khi có thể chứa các thành phần như long não và tinh dầu bạc hà, tạo cảm giác dễ chịu, kích thích khi thoa. Nhưng chúng có thể gây kích ứng, dẫn đến hiện tượng khô và nứt nẻ môi.

Luôn nhớ bảo vệ môi bằng son dưỡng trước khi thoa kem dưỡng da vào ban đêm để tránh môi bị bong tróc, kích ứng.

Môi bạn có thể khô nẻ vì thực đơn không đủ để dưỡng môi

Cặp môi hồng mọng cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất từ bên trong. Bao gồm vitamin B-2 (có nhiều trong sữa, trứng, đậu, thịt nạc, các loại hạt và rau lá xanh), vitamin B-3 (trong thịt bò, thịt lợn, cá bơn, cá ngừ, thịt gia cầm, hạt ngũ cốc, sữa và rau lá xanh), vitamin B-6 (có nhiều trong các loại đậu, thịt, ngũ cốc nguyên hạt và rau lá xanh), sắt (có trong các loại rau như rau bina và bông cải xanh, thịt; Tuy nhiên sắt chỉ được hấp thụ tốt khi đi kèm với vitamin C), kẽm (có trong mọi thứ, từ thịt và cá đến các loại đậu).

Thiếu rau xanh môi sẽ bị khô nẻ.

Trái ngược với các tình huống môi khô do thiếu chất, khi cơ thể thừa vitamin A cũng có thể là một nguyên nhân gây khô môi. Thông thưỡng bữa ăn đủ dinh dưỡng từ rau lá xanh đến thịt bò và trứng, cá… đã đảm bảo vitamin A cần thiết, không cần bổ sung. Bổ sung mà không có chỉ định của bác sĩ, chúng ta có thể dễ dàng vượt quá giới hạn tiêu thụ vitamin A. Lúc này, môi khô không phải là hậu quả đáng lo sợ do quá nhiều vitamin A mà còn gây ngộ độc.

Uống đủ nước tốt cho sức khỏe đôi môi.

Thiếu nước cũng dẫn đến tình trạng môi khô. Nếu không có điều kiện uống đủ nước theo yêu cầu, bạn nên nghĩ đến việc trang bị máy tạo độ ẩm trong phòng.

Tẩy tế bào chết và dưỡng ẩm môi

Một cặp môi mọng và mịn màng đôi khi chỉ là kết quả của việc tẩy da chết nhẹ nhàng và thường xuyên dưỡng ẩm bằng son dưỡng môi hoặc kem dưỡng ẩm chất lượng tốt.

Môi là vị trí hiếm gặp của ung thư da nhưng vì thế mà khó điều trị hơn. Nếu biết được điều này hẳn là bạn sẽ chăm sóc kỹ hơn đôi môi của mình. Đừng nhầm giữa mụn rộp tái phát với môi nứt nẻ.

Nếu đã thực hiện hết các lời khuyên trên đây mà môi vẫn thường xuyên khô nẻ thì bạn hãy sớm gặp bác sĩ da liễu để loại trừ nguyên nhân gây nứt nẻ môi.