Những thực phẩm 'đại kỵ' với người bị bệnh thận

TPO - Các bác sỹ cảnh báo, với những người bị bệnh suy thận phải lọc máu ngoài thận (chạy thận nhân tạo) hoặc đã ghép thận vẫn phải thực hiện một chế độ ăn phù hợp với bệnh để không xảy ra những biến chứng đột ngột, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ảnh minh hoạ: Internet

Theo BS Phạm Thị Thục, khi thận đã bị tổn thương mạn tính sẽ dẫn đến suy thận. Biện pháp điều trị bảo tồn bằng chế độ ăn rất thấp đạm, đủ năng lượng và các thuốc cần thiết là nhằm ngăn chặn các biến chứng và làm chậm bước tiến của suy thận mạn. Khi điều trị bảo tồn không có hiệu quả thì phải điều trị thay thế thận suy bằng lọc máu ngoài thận hoặc ghép thận.

Khi lọc máu chu kỳ thì ure, creatinin, axit uric sẽ được giảm xuống mức an toàn sau kỳ lọc, muối Na, K cũng được điều chỉnh tốt... Người bệnh sẽ thấy thoải mái hơn, ăn ngon miệng hơn và khỏe dần ra. Nhưng lọc máu cũng chỉ giải quyết được một số rối loạn cơ bản sau kỳ lọc 1- 2 ngày sau đó lại tăng nên phải lọc 3 lần/tuần; vì thế người bệnh không được ăn uống tự do thoải mái mà phải được kiểm soát theo các yêu cầu sau:

Những ngày không lọc máu người bệnh bị thiểu niệu nên kali máu dễ tăng do đó không thể ăn quá nhiều rau và hoa quả được. Còn natri và nước bị tích lại gây tăng thể tích tuần hoàn dẫn đến phù và tăng huyết áp nên cũng phải giảm lượng nước uống, giảm ăn mặn và mỳ chính.

Những thực phẩm nên chọn

  • Những thực phẩm nhiều đạm như: thịt, cá, thịt gia cầm hay trứng. Lượng đạm phụ thuộc vào số lần lọc máu/tuần.
  • Các thực phẩm như nướng, hấp, ninh - hầm luôn được các bác sĩ tư vấn khuyên dùng thay cho các đồ chiên, rán
  • Chất bột đường: chất bột ít đạm như gạo xay trắng, miến, bột sắn dây, khoai lang, khoai sọ, bún, phở,…
  • Chất đạm (protein): nên ăn thực phẩm có đạm giá trị sinh học cao (thịt, cá, trứng) và các loại sữa giảm đạm
  • Chất béo: chọn dầu thực vật (dầu mè, dầu đậu nành, dầu oliu) hoặc mỡ cá
  • Gia vị: chọn thực phẩm ít muối 
  •  
  • Những thực phẩm cần tránh 
  •  
  • Thực phẩm nhiều Kali như nho khô, chuối khô, thanh long, bơ,...; rau là xanh đậm (ra ngót, rau đay, rau dền, rau muống,…), nấm mèo, các loại đậu.
  • Thực phẩm giàu đường như bánh mì trắng, khoai tây, bánh kẹo ngọt,…
  • Thực phẩm có nhiều photpho như tôm khô, lá lốt, lòng đỏ trứng, thịt bò,…
  • Thực phẩm có nhiều muối như mắm, cá khô, tôm khô, mì ăn liền,…