Trẻ sinh vào mùa xuân có 'lợi' và 'hại' gì cho sức khoẻ?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Mùa sinh của trẻ gắn liền với môi trường, khí hậu mà trẻ tiếp xúc ngay khi chào đời nên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Vậy những trẻ sinh ra vào mùa xuân, mùa đầu tiên của năm mới sẽ có những điều "lợi" và "hại" hơn các bạn sinh các mùa khác như thế nào?

 Những trẻ sinh vào mùa xuân có xu hướng ít bị tăng động giảm chú ý (ADHD) và hen suyễn hơn trẻ sinh vào các thời điểm khác trong năm là một trong những kết quả nghiên cứu về tháng sinh và nguy cơ bệnh tật của Mary Regina Boland, nghiên cứu sinh tiến sĩ của khoa Y học sinh học, ĐH Columbia (New York, Mỹ).

 Những điều lợi:

Lạc quan hơn

Những em bé mùa xuân có nhiều cơ hội lớn lên thành những đứa trẻ và người lớn lạc quan. Trong một nghiên cứu nhỏ đăng tải trên tạp chí Affective Disorders, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra khí chất hyperthymic (tức là tích cực thái quá) phổ biến hơn ở những đối tượng sinh ra vào mùa xuân và thu. Còn những đứa trẻ sinh ra vào mùa hè và đông lại dễ có khí chất trầm cảm.

 Ít có nguy cơ hen suyễn

Trong nghiên cứu của Mary Regina Boland năm 2015 đăng tải trên tạp chí American Medical Informatics Association, kết luận chỉ rõ tỉ lệ cao hen suyễn cao nhất sẽ là ở những người sinh vào tháng Bảy, Tám, Chín và Mười, và tỉ lệ hen suyễn thấp hơn ở các tháng còn lại trong năm, bao gồm cả mùa xuân.

“Chúng tôi tin rằng nóng bức và độ ẩm cao đã làm tăng sự bùng nổ của mạt bụi”, nghiên cứu sinh Boland nói.

Mạt bụi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây kích ứng hen suyễn, đực biệt ở những vùng ngoại ô. "Nếu sống 2 tháng đầu đời trong môi trường có nhiều sinh vật thì cũng sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ miễn dịch", Boland nói.

Nhà lãnh đạo tương lai

Theo một nghiên cứu của ĐH British Columbia trên 375 CEOs của nhiều tập đoàn lớn, tháng Ba và tháng Tư có thể là những tháng tốt lành để nuôi dưỡng những lãnh đạo tương lai.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 12,53% CEO của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất sinh vào tháng Ba và 10.67% sinh vào tháng Tư, so với chỉ 6,3% sinh vào tháng Sáu và 5,87% vào tháng Bảy.

Cũng ương tự như tỉ lệ thấp ADHD ở trẻ sinh mùa xuân, có thể những người đứng đầu này có tuổi “cao” hơn các đồng nghiệp nên “chín chắn hơn, mạnh dạn hơn và hiểu biết rộng hơn”. Họ nhận được sự chú ý nhiều nhất và điều này đi suốt cuộc đời họ.

Ít bị chẩn đoán tăng động giảm chú ý 

Tăng động giảm chú ý (ADHD) có xu hướng đạt mức cao nhất ở những đứa trẻ sinh vào cuối năm, trong khi tỉ lệ này lại thấp hơn ở những trẻ sinh vào mùa xuân. Nhưng điều này cũng cần xem xét thêm bởi những trẻ nhỏ tuổi nhất trong 1 lớp học thường là các bé sinh tháng 11-12 và vì ít tuổi nhất nên có thể giả thiết là “trẻ không trưởng thành bằng các bạn sinh tháng 1-2”.

Thậm chí có ý kiến cho rằng nên coi đây là hiện tượng văn hóa chứ không phải do yếu tố môi trường.

Nguy cơ bệnh tật:

 

Nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn

Nguy cơ mắc bệnh tim ở những trẻ sinh vào mùa xuân, đặc biệt trong tháng 3 thường cao hơn so với trẻ sinh vào các mùa khác trong năm do phơi nhiễm với một số yếu tố môi trường đặc thù gây hại cho tim nhưng có thể dẫn đến hậu quả lâu dài. Những bệnh tim mà trẻ sinh mùa xuân thường mắc phải là rung tâm nhĩ (một loại nhịp tim bất thường), suy tim sung huyết. Tuy nhiên, nhận định này chưa được thực hiện ở phạm vi nghiên cứu rộng hơn nên cần có những nghiên cứu khác liên quan để có kết luận rõ ràng hơn.

Dễ mắc chứng đa xơ cứng

Những người sinh vào mùa xuân có tỷ lệ cao phát triển chứng đa xơ cứng (MS) khi trưởng thành cao hơn các mùa khác trong năm. Tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở những vùng có số người mắc MS cao và đang có xu hướng lan rộng, cụ thể là các địa điểm xa xích đạo.

Giải thích hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng, những trẻ sinh trong thời điểm này có thể có một loại tế bào miễn dịch gây hại liên quan đến MS cao hơn. Ngoài ra, nồng độ vitamin D trong máu thấp ở những trẻ này cũng có thể là một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh.

Viêm hô hấp trên

Sinh ra vào mùa xuân, nhiều trẻ rất hay bị mồ hôi trộm, da ẩm ướt. Bên cạnh đó, thời tiết ẩm nên mốc phát triển rất nhanh trong nhà có thể làm trẻ sơ sinh khụt khịt, ho, viêm phổi dẫn đến tình trạng trẻ bú kém, suy dinh dưỡng, còi xương… Vì vậy cần dọn vệ sinh nhà cửa để dẹp nấm mốc, và tiệt trùng đồ dùng cho trẻ hàng ngày.

Hen phế quản

Vào mùa xuân, đối với những bé có các bệnh mạn tính như Hen phế quản, tim bẩm sinh... thường bị mắc bệnh nặng hơn so với những bé bình thường khác. Bởi vì bé bị bệnh Hen phế quản, thời tiết chuyển lạnh vừa là nguyên nhân trực tiếp, vừa là nguyên nhân gián tiếp khiến bé dễ lên cơn co thắt phế quản gây khó thở dữ dội, thiếu oxy trầm trọng.

Bệnh tiêu chảy

Mùa xuân cũng là thời điểm bé rất dễ mắc bệnh tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy có thể do vi khuẩn, do ngộ độc thức ăn, do ký sinh trùng hoặc do Rotavirus. Bệnh tiêu chảy do Rotavirus chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại tiêu chảy mùa lạnh ở bé. Được biết rằng bệnh tiêu chảy do Rotavirus có thể gặp quanh năm nhưng thường gặp nhất vẫn là mùa đông - xuân. Bệnh hay gặp ở bé dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch.

Bệnh về da

Ngoài ra, mùa xuân một số bệnh về da của bé cũng dễ xuất hiện, tái phát như bệnh chàm (eczema), bệnh mày đay... Với bệnh chàm, thời tiết càng lạnh càng xuất hiện nhiều và tái phát, rất dễ nhiễm khuẩn. Bệnh mày đay gây ngứa dữ dội, bé quấy khóc nhiều, đôi khi gây tiêu chảy do mày đay xuất hiện ở niêm mạc ruột gây kích thích tăng nhu động ruột.

MỚI - NÓNG