> Thanh lý hợp đồng hay cưỡng đoạt tài sản?
Người mua thành tội phạm
Ngày 26/9, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vụ án “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại DNTN Vạn Hưng ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng ngày 22/3/2013, phạt bà Phạm Thị Mai 7 năm 6 tháng tù.
Vụ án này, ngày 24/1/2013, Tiền Phong có bài “Thanh lý hợp đồng hay cưỡng đoạt tài sản?”. Bà Mai ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) bán nhiều tỷ đồng cá tra cho bà Huỳnh Dù Táng chủ DNTN Vạn Hưng, đến cuối năm 2010, còn bị nợ 1,6 tỷ đồng. Tháng 1/2011, bà Táng ký hợp đồng bán nhà máy cho bà Mai để trừ nợ, có chứng thực của chính quyền xã. Song khi bà Mai cho người tháo dỡ nhà máy lại bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản. Lý do chính để truy tố bà Mai là lúc tháo dỡ nhà máy không có mặt bà Táng và bà Táng có đơn tố cáo.
Tháng 1/2011, bà Táng ký hợp đồng bán nhà máy cho bà Mai để trừ nợ, có chứng thực của chính quyền xã. Song khi bà Mai cho người tháo dỡ nhà máy lại bị truy tố về tội cưỡng đoạt
tài sản.
Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm cũng vì lý do đó. Thẩm vấn tại tòa phúc phẩm, có nhân chứng khẳng định, bà Táng đã đồng ý cho bà Mai tháo dỡ nhà máy nhưng khi bà Mai đến tháo dỡ thì lánh mặt. Thêm nữa, khi bà Mai đến tháo dỡ nhà máy, bảo vệ nhà máy là người của bà Táng còn vui vẻ mở cổng và nhận của bà Mai hơn một triệu đồng “uống cà phê”. Theo tòa phúc thẩm, những chứng cứ ấy không khẳng định bà Mai phạm tội cưỡng đoạt tài sản, ngược lại còn cho thấy bà Táng có ý đồ nào đó, cần được làm rõ.
Đáng chú ý, bà Táng luôn vắng mặt ở các phiên tòa. Ngày 25/7/2013, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM cũng đã phải hoãn vì vắng mặt tất cả lãnh đạo DNTN Vạn Hưng. Ở phiên phúc thẩm ngày 26/9, chỉ có cấp phó của bà Táng, còn bà Táng vẫn lánh mặt.
Người bán thành tội phạm
Bà Trần Yến Ni (ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ) cũng đang kháng cáo bản án sơ thẩm ngày 15/8/2013 của TAND TP Cần Thơ, phạt bà 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyên nhân “phạm tội” theo bản án, bắt nguồn từ việc bà Ni muốn bán đám đất trị giá 5,5 tỷ đồng cho bà Phạm Thị Ly, cùng ở quận Ninh Kiều.
Bà Ly là người môi giới nhà đất, tháng 11/2011, có người điện thoại nhờ tìm mua đất làm nhà trọ. Hẹn hò nhiều lần, họ nhắm đến đám đất của bà Ni ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều.
Tuy nhiên, nhóm người trung gian này là một băng chuyên lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc. Theo điều tra, nhóm này gạ bà Ni là nếu họ mồi chài bán được đám đất thì “cho xin” mấy trăm triệu đồng môi giới; đồng thời lại nhử bà Ly đặt cọc mua đất của bà Ni, hứa hẹn sẽ mua lại với giá
cao hơn.
Để tạo niềm tin với bà Ly, họ góp 200 triệu đồng hùn với 500 triệu đồng của bà Ly để đặt cọc cho bà Ni. Nhận được 700 triệu đồng tiền đặt cọc, bà Ni trả lại cho nhóm lừa đảo 200 triệu đồng cùng tiền môi giới 400 triệu đồng. Lập tức, nhóm lừa đảo biến mất.
Còn lại bà Ni và bà Ly với vụ mua bán đất không thành. Bà Ly lúc đầu cho rằng bị bà Ni câu kết với nhóm kia lừa đảo nên làm đơn tố cáo. Ngày 7/8/2013, biết bà Ni cũng là nạn nhân, bà Ly có “đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án đối với bà Trần Yến Ni”. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng TP Cần Thơ vẫn kết luận bà Ni lừa đảo, xử bà 12 năm tù. Còn nhóm lừa đảo gồm 9 người, cơ quan điều tra phanh phui ra được nhiều vụ lừa đảo tương tự, phạt mỗi người từ 4 đến 20 năm tù.
Bản án sơ thẩm đang đặt ra câu hỏi, nếu bà Ni đơn phương huỷ hợp đồng bán đất sẽ phải đền gấp đôi tiền đặt cọc, vậy bà này có thể tham gia nhóm lừa đảo để chia tiền đặt cọc hay không?.