Những phận người bên hành lang bệnh viện

TP - Chứng kiến những bệnh nhân nghèo và người nhà ngày đêm đấu tranh với sự khốn cùng để ngoi lên, bước qua sự khó khăn, thiếu thốn của vật chất mới thấy cuộc sống vô giá biết bao.

> Ô-sin chăm bệnh nhân: Những mảnh ghép

Chuyện bệnh nhân và người nhà ngủ hành lang bệnh viện hay sống dưới gốc cây, ghế đá không còn xa lạ. Nhóm PV Tiền Phong thâm nhập một số phòng trọ và hành lang bệnh viện để ghi nhận.

Tán cây là nhà

Đêm xuống tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hành lang khu giường bệnh kín chỗ, người nằm, ngồi la liệt. Gốc cây đối diện khoa cấp cứu là nơi tập trung đông nhất người nhà bệnh nhân. Vài người tìm góc tối ngồi lặng lẽ, qua ánh đèn đường, những hốc mắt sâu hoắm đầy lo âu. Tới từ nhiều vùng quê khác nhau, nhưng kể từ khi vào đây, bỗng chốc họ trở nên gần gũi với nhau.

Ngay chỗ chúng tôi ngồi, hai người phụ nữ nằm co ro, bên cạnh người đàn ông ốm yếu. Bà Nguyễn Thị Hòa (42 tuổi, quê Phú Bình, Thái Nguyên) kể, con gái 22 tuổi bị hoại tử ruột nhập viện cấp cứu đã gần nửa tháng. Chừng ấy thời gian bà và em gái ăn, ngủ nơi gốc cây này. Tán cây là nhà, gầm ghế làm tủ đồ.

Mỗi sáng dậy, bà quấn nhanh tấm chiếu nhét cùng vài bộ quần áo vào gầm ghế. “Đêm đầu còn mất ngủ vì lạnh và muỗi, nhưng tới đêm thứ hai, đặt lưng là ngủ, không còn sức để đuổi muỗi nữa”, bà Hòa nói.

Không chỉ người nhà, người bệnh cũng phải nằm hành lang. Đấy là cảnh chẳng lấy làm lạ tại hành lang khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K cơ sở 2 (Thanh Trì, Hà Nội). Đêm xuống, bên hành lang người nhà nằm xen lẫn người bệnh, ống dịch truyền treo lơ lửng trên tường. Không có giường, người bệnh được ưu tiên nằm ghế gấp; người nhà nằm ghế đá, chiếu; người thì co ro trên miếng nilon trải vội ra giữa lối đi.

Cách đó ba bước chân là khu điều trị theo yêu cầu, khác hẳn cái không gian nhốn nháo bên này: Hành lang vắng lặng, sạch sẽ, nhưng không ai nằm. Hỏi ra mới biết, khu điều trị theo yêu cầu rộng rãi, mỗi bệnh nhân một giường, có điều hòa nên người nhà được ngủ trong phòng.

Không chịu được cảnh chen chúc ở hành lang, ông Nguyễn Văn Trung (63 tuổi, ở Phố Nối, Hưng Yên) đem ghế ra nằm giữa sân, dù đêm sương xuống, gió lạnh. Cạnh ông luôn thường trực ống điếu tự chế bằng vỏ chai nước ngọt, cốc trà pha đặc. Ông Trung kể, vợ bị u trực tràng mổ đã được nửa tháng, tối nào cũng ra sân ngồi, khoảng 30 phút lại vào thăm vợ một lần.

Nhà ông phải cử hai người tới viện thay nhau trông vợ ông. Để có chỗ nghỉ ngơi, ông Trung thuê một giường ở nhà trọ gần cổng viện rồi thay ca nhau ra ngủ. Tiền trọ mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Phòng trọ được chủ nhà cải tạo từ phòng khách tầng một, với hơn 10 chiếc giường đơn, nếu ở theo đêm có giá 50.000 đồng/giường.

Ông Trung kể, ban đầu vợ vào Bạch Mai, các bác sĩ định chuyển sang Việt Đức để mổ, xong lại về Bạch Mai chăm sóc. May nhờ có người quen biết ở viện nên xin chuyển thẳng về viện K mổ và điều trị.

“Ở đây, mới sáng nay có ông phải đi 3 bệnh viện vẫn chưa được mổ. Đầu tiên bác sĩ yêu cầu sang khám ở Bệnh viện Đại học Y, xong sang Bạch Mai, rồi về đây khám lại. Có ông ở chăm vợ đã 3 tháng, bệnh có vẻ khá hơn muốn xin về viện tỉnh cho gần nhà, tiện chăm sóc, nhưng bác sĩ chưa cho”, ông Trung nói rồi chậm rãi kéo hơi thuốc lào kêu sòng sọc.

“Chiến đấu” với nhà trọ

Xung quanh các bệnh viện lớn tại Hà Nội mọc lên nhiều khu trọ “ổ chuột” tạm bợ, giá rẻ. Điển hình là khu bệnh viện Nhi Trung ương, cả trong và ngoài bệnh viện nhan nhản quảng cáo mời chào giá chỉ 15.000 đồng/người/đêm.

Dẫn chúng tôi vào ngủ qua đêm tại một trong hai khu trọ của mình, cách cổng chính bệnh viện khoảng 30m, ông chủ nhà trọ tên Hải nói: “Nhà tôi là đẹp, thoáng mát, an ninh tốt nhất khu. Giá cả phải chăng, phòng chung chỉ 15.000 đồng/người, phòng riêng thì 75.000 đồng/phòng”.

 Đây là khu trọ chung tốt nhất chỗ này rồi, những nơi khác tệ hơn nhiều. Có nhiều phòng, bệnh nhân và người nhà thỉnh thoảng phải lao ra cửa để đớp không khí

Anh Nguyễn văn Tuấn (Ninh Bình)

Tầng một khu trọ nhà ông Hải là dãy phòng cấp 4 ẩm ướt, tường bong tróc, sặc mùi mồ hôi, ẩm mốc. Tầng 2, 3 là những phòng được dựng tạm trên khung thép như giàn giáo xây nhà, tường ghép bằng gỗ ép với tôn. Nhiều phòng rộng chừng 5m2, không cửa sổ, điểm nhấn chỉ là một chiếc quạt nhỏ treo tường. Mỗi phòng riêng này có giá 75.000 đồng/đêm, ở bao nhiêu người tùy khách.

Tầng 3 là phòng chung, nói thoáng mát quả không sai vì chỉ hai bên có vách, hai bên còn lại thì lộ thiên, gió thổi lồng lộng. Sàn được ghép bằng những miếng ván thường dùng làm cốp pha, tiếng cọt kẹt phát ra theo từng bước chân. Chiếc giường chung bằng gỗ ép với chăn chiếu đã xỉn màu, bốc mùi mồ hôi, đủ chỗ cho 10 người nằm.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (37 tuổi, ở Tam Điệp, Ninh Bình) kể, con anh bị viêm phổi đã nhập viện hơn 20 ngày, chừng ấy thời gian anh gắn bó với khu trọ này.

“Đây là khu trọ chung tốt nhất chỗ này rồi, những nơi khác tệ hơn nhiều. Có nhiều phòng, bệnh nhân và người nhà thỉnh thoảng phải lao ra cửa để đớp không khí”, anh Tuấn nói.

Đêm về khuya, gió lạnh rít từng cơn trên mái tôn pha lẫn trong tiếng rên rỉ của những bệnh nhi và cả sự thảng thốt của người đi chăm. Đã thế, từng đàn chuột cống nhảy nhót quanh những chiếc giường tưởng như không thể ọp ẹp hơn nữa.

Khá khẩm hơn khu viện Nhi, khu trọ chung giá rẻ tại Bệnh viện K cơ sở 2 là những khu nhà cấp 4, hoặc phòng khách của nhà dân xung quanh chuyển làm phòng trọ. Mỗi phòng chung kê khoảng 10 giường đơn. Giá thuê mỗi giường 25.000 - 40.000 đồng/đêm.

Trong vai người nhà bệnh nhân, chúng tôi cũng thuê một giường ở phòng trọ của bà chủ tên Tuyết, cách cổng bệnh viện 10m. Phòng rộng 60m2, không cửa che chắn, mỗi giường chỉ có một manh chiếu mỏng, ngoài ra không có thêm gì khác. Một dây phơi được chăng dọc phòng vừa để phơi đồ vừa làm luôn dây treo ống truyền dịch cho bệnh nhân.

“Anh bị ung thư vòm họng, mổ cách đây hai năm, nhưng chỉ vài tháng đã tái phát, lại xuống điều trị. Trong viện chật chội, không có giường nằm nên ra ngoài thuê, ban ngày vào khám lấy thuốc”, anh Nguyễn Văn Bộ (35 tuổi, quê Phú Thọ) nói đứt đoạn trong những cơn ho kéo dài. Cả phòng có 10 người, có tới 3 bệnh nhân như anh Bộ. Cuối phòng một cô gái trẻ đang truyền dịch, ống truyền treo lủng lẳng lên dây phơi.

“Ở đây mọi người đều biết tự lấy ven và thay ống truyền không cần bác sĩ”, anh Bộ nói. Tới phòng trọ này, tài sản của ai người đó tự bảo vệ, nên thi thoảng bệnh nhân lại bị mất mát. Ngay đêm chúng tôi thuê trọ, có người mất điện thoại, trông bộ dạng của nhóm PV chúng tôi khá nhàu nhĩ nên bà chủ nhà nghi ngờ và liên tục nhắn tin vu ăn cắp.

Hiện nay, chỉ một số bệnh viện lớn đầu tư khu trọ cho người nhà và bệnh nhân trong khuôn viên bệnh viện, như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai… giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/người/đêm.
Theo Báo giấy