Dưới đây TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng chỉ ra những vật dụng không ngờ trở thành nguồn sinh bệnh trong những ngày thời tiết ẩm ướt.
Đồ gỗ (đũa và thớt) nên rửa bằng muối và dấm
Theo TS.Sơn các vật dụng làm từ gỗ (đũa, thớt, cánh cửa, tủ để giày, bàn ghế…) trong những ngày ẩm ướt rất dễ bị nấm mốc có thể trở thành nguồn gây bệnh. Loại nấm mốc có độc tố cao như aflatoxin có thể gây hại cho gan, xơ gan, ung thư gan. Đặc biệt các vật dụng như đũa ăn và thớt dùng hàng ngày sau khi sử dụng cần phải rửa sạch.
Hạn chế nấm mốc với các vật dụng này bằng cách rửa qua muối, sau đó lau bằng giấm và hong khô gần bếp đối với thớt; phơi đũa ở nơi khô ráo.
Bàn chải đánh răng là một trong những nguồn chứa nhiều vi khuản rất kinh khủng trong những ngày thời tiết nồm. TS. Sơn cho hay nguyên nhân là bàn chải đánh răng xong không được rửa sạch (thức ăn thừa mắc lại) cộng thêm thời tiết thuận lợi thì vi khuẩn sẽ nhanh chóng phát triển và gây hại cho sức khỏe.
Lưu ý khi đánh răng xong cần phải rửa, vẩy bớt nước để ở nơi thoáng. Đặc biệt, không để bàn chải đánh răng ở gần nhà vệ sinh. Khi đang răng thấy bàn chải đổi màu cần phải thay ngay.
Quần áo, đồ lót sấy khô trước khi mặc
Trong thời tiết nồm ẩm, quần áo lót rất dễ bị nhiễm bào tử nấm trong không khí rơi vào quần áo và phát triển. Nếu mặc quần lót ẩm ướt nguy cơ nhiễm nấm âm đạo rất cao, bệnh ngoài da hắc lào…
TS. Sơn khuyến cáo: “Trong những ngày nồm ẩm ướt nên dùng máy sấy quần lót trước khi mặc. Không dùng quạt để hong quần áo vì có thể làm cho hơi nước ngưng tụ nhiều hơn khiến nhà thêm ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển”.
Khăn tắm và khăn mặt thường xuyên phải phơi sấy
Hai vật dụng này trong những ngày nồm không được phơi khô sẽ trở thành nguồn nhiễm khuẩn gây bệnh. Ngoài ra những tấm thảm nhà cũng trở thành nơi yêu thích để vi khuẩn trú ngụ, đặc biệt là nấm mốc và bụi nhà gây ra các bệnh hen phế quản, viêm mũi dị ứng, bệnh ngoài da. Vì vậy cần phải vệ sinh khăn mặt, khăn tắm, thảm lau nhà thường xuyên trong những ngày ẩm ướt.
“Thường xuyên phơi sấy khăn, thảm ở nhiệt độ cao để hạn chế vi khuẩn, nấm mốc có điều kiện phát triển trong những vật dụng này”, TS. Sơn nói.
Theo TS. Sơn, rất nhiều người không ngờ được chăn, ga, gối trong những ngày nồm lại là vật dụng dễ bị mốc. Chính vì vậy nhiều gia đình chỉ cố gắng giữ nhà khô mà không nghĩ tới việc vệ sinh chăn, ga, gối dẫn tới trở thành nơi sinh bệnh không ngờ. Vì vậy, nên vệ sinh vỏ ga, gối định kỳ 1 tuần/lần. Không để ga gối sát tường vì dễ bị ẩm mốc. Trời nắng nên tranh thủ phơi ruột ga, gối, chăn, đệm dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt vi khuẩn và mầm bệnh.
Sử dụng điều hòa trung tâm (công ty, nơi đông người) là môi trường rất dễ nhiễm khuẩn. Điều hòa chỉ trao đổi không khí bên trong phòng cho nên dễ là môi trường bị nhiễm khuẩn, ô nhiễm nếu dùng lâu. Tại các văn phòng sử dụng điều hòa, hàng tuần cần phải mở cửa để cho không khí lưu thông. Mở toang cửa đón ánh nắng mặt trời là vũ khí để diệt vi khuẩn.