Những nữ sứ giả hòa bình mặc áo blouse

TP - Những đôi tay thường ngày chỉ quen cầm kim tiêm, băng gạc bỗng chốc phải nhấc khẩu súng trường, bắn đạn thật. Những đôi vai gầy thường ngày chỉ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, tất tả chạy giữa các khoa phòng, giờ phải trang bị thêm những kỹ năng đào hầm, tránh đạn...Ở họ đều toát lên tinh thần quyết tâm vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.  
Nữ quân y trong giờ luyện tập. Ảnh: Nguyễn Trung Trực

Tự hào về mẹ

Buổi sáng ngày đầu tháng 10, bầu trời TPHCM dường như đẹp hơn mọi ngày, dưới ánh nắng nhè nhẹ diễn ra lễ xuất quân để tiễn 63 thành viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang Nam Sudan (châu Phi) thực hiện nhiệm vụ cao cả và đầy tự hào của quốc gia giao phó, đó là gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trong vòng 1 năm. Nhiệm vụ của tất cả các thành viên đoàn là chăm sóc sức khỏe cho phái bộ Liên Hợp Quốc theo sự điều động. Trong số những tình nguyện viên, có 10 tình nguyện viên là nữ.

Họ vốn là những nữ bác sĩ, điều dưỡng, y tá, kỹ thuật viên thuộc các đơn vị Quân khu 7, Quân đoàn 4, Bệnh viện Quân y 175 hội tụ dưới một mái nhà- Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1. Có người đã lập gia đình, có người chưa. Có người vừa tròn 25 xuân xanh, tình yêu vừa chớm, cũng có người đã ngoài 40. Thế nhưng điểm chung ở những con người ấy chính là sự hi sinh, lăn xả, dấn thân, như cách mọi người vẫn thường nói: “Khi Tổ quốc cần, phải biết sống xa nhau”.

Vai vác ba lô, đầu đội mũ nồi xanh, mười cô gái như mười bông hoa thiên thanh trong nắng sớm nơi góc sân bay. “Có mặt tại buổi lễ hôm nay là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với tôi. Sau hơn 4 năm được đào tạo, huấn luyện chúng tôi đã sẵn sàng lên đường, tất cả vì Tổ quốc và gia đình”, thiếu úy Sa Minh Ngọc quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Với sự chăm chỉ, chịu khó, chuyên môn tốt và đầy trách nhiệm, thiếu úy Phạm Thị Thuỳ, điều dưỡng trưởng được lựa chọn vào lực lượng Bệnh viện Dã chiến. Chia sẻ về hành trình đầy khó khăn phía trước, cô gái nhỏ tuổi nhất trong số 10 “bông hoa” với nụ cười tươi và đôi mắt sáng tự tin chia sẻ: “Tất cả mọi thứ chúng tôi đã sẵn sàng. Có một chút gì đấy hồi hộp nhưng cũng rất tự hào. Khi sang một môi trường mới, xa gia đình, xa bạn bè, chúng tôi là những người trẻ nên sẽ không tránh khỏi những lúc nhớ nhà. Nhưng tôi tin sẽ vượt qua khó khăn gian khổ, đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Đối với “chị cả”- thiếu tá chuyên nghiệp Bùi Thị Xoa (43 tuổi, thuộc đơn vị Bệnh viện Quân y 7B) xác định đi vì nhiệm vụ cao cả, quyết tâm là vậy.Nhưng khi chuẩn bị hành trang lên đường, chị mới giật mình nhớ về người con trai đang tuổi dậy thì, sợ rằng không có mẹ bên cạnh sẽ không tránh khỏi tủi thân.“Khi cháu nói tự hào về tôi, tôi yên tâm lắm. Nhiệm vụ lần này không chỉ là vinh dự bản thân, niềm tự hào của gia đình, mà có ý nghĩa rất lớn với mối quan hệ tốt của nước bạn và Việt Nam”, chị Xoa chia sẻ.

Sứ giả hòa bình

Để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, những y bác sĩ phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt từ các chuyên gia nước ngoài mà không hề có sự phân biệt nam nữ. Cũng như các đồng nghiệp nam, các nữ quân nhân phải rèn luyện thể lực, đẩy xe, mỗi ngày phải phơi mình hàng tiếng đồng hồ dưới cái nắng chói chang để luyện tập theo giáo án.

Để làm quen với những tình huống bất ngờ có thể xảy đến khi ở đất nước cách Việt Nam gần nửa vòng trái đất, tất cả bác sĩ, điều dưỡng đều được huấn luyện và tập bắn súng bằng đạn thật. Những tình huống cấp cứu khẩn cấp, nhiều tình huống giả định đã được đặt ra như bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, cấp cứu hàng loạt vết thương do nổ mìn, đạn lạc… các chị đều phải vượt qua.

Ngày lên đường, những phụ nữ Việt Nam- sứ giả hòa bình sẽ sánh vai với bè bạn năm châu thực hiện nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc. Ngoài nhiệm vụ chung, “những bóng hồng” còn là đại diện góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới, nhất là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Họ sẽ viết tiếp những trang sử vàng đầy kiêu hãnh về hình tượng người phụ nữ Việt Nam.

“Đây là lần đầu tiên lực lượng Bệnh viện Dã chiến tại Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc. Trong đó, lực lượng nữ gồm 10 đồng chí chiếm tỷ lệ lên đến hơn 17%, đây là con số rất đáng khích lệ góp phần ủng hộ các chính sách về bình đẳng giới trên thế giới. Mỗi cán bộ y tế, chiến sĩ tham gia gìn giữ hòa bình trong đợt này đều là mỗi sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa và còn là sứ giả sức mạnh quân sự Việt Nam trên đất bạn châu Phi. Mỗi một chiến sĩ không chỉ giỏi nghề, thông thuộc luật pháp quốc tế, am hiểu về chính trị mà còn giỏi ngoại ngữ, luôn luôn tự học, tự rèn luyện trong mọi hoàn cảnh, lan tỏa hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trên đất nước bạn”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh.

Cán bộ, y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Dã chiến được trang bị các kỹ năng, chuyên môn, cơ bản bảo đảm tiếp nhận khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú 1 ngày; có khả năng hồi sức cấp cứu, thực hiện 3-4 ca phẫu thuật gây mê/ngày; nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân/tuần; thực hiện 10 ca chụp X-quang, 10 ca điều trị răng miệng, xét nghiệm chẩn đoán cơ bản 20 ca trong một ngày...