Những nỗ lực để metro sớm 'cán đích'

TP - Là loại hình lần đầu tiên triển khai ở Hà Nội, lại thi công trong điều kiện khó khăn “vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục”, tuy nhiên sau nhiều nỗ lực, đến nay các dự án đường sắt đô thị (metro) được thành phố giao cho Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thực hiện đang chuyển động tích cực. Thậm chí có dự án đã “hợp long” đường trên cao để chuẩn bị “cán đích”.
Với dự án 8 tuyến metro được giao, MRB đang nỗ lực để sớm "cán đích" từng dự án

Hợp long đoạn tuyến trên cao đầu tiên
Sau gần 8 năm thi công với nhiều khó khăn, trong đó có vướng mặt bằng và cơ chế chính sách, những ngày cuối năm vừa qua, người tham gia giao thông Thủ đô đã đón nhận tin vui khi đoạn tuyến metro trên cao tại dự án metro số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội được MRB hợp long. Nhiều người dân sống trên dọc tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy (dự án đi qua) lý giải cho niềm vui này rằng, việc hợp long đoạn trên cao vừa có ý nghĩa để người dân sớm được đi metro từ Nhổn về Cầu Giấy, vừa giúp hàng rào công trường quây trên QL32 đoạn từ Nhổn về Cầu Giấy nhiều năm nay sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. “Công việc này được thực hiện đúng vào dịp cuối năm, gần Tết Nguyên đán nên đây không chỉ là niềm vui chung của người  tham gia giao thông Thủ đô mà còn đối với cả những người làm nghề kinh doanh ở hai bên ven đường như chúng tôi”, chị Hoàng Anh, một chủ hộ kinh doanh mặt hàng điện tử tại số 173 đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) đánh giá.

Với dự án, việc hợp long đoạn tuyến trên cao giúp chủ đầu tư và các nhà thầu sớm hoàn thành trước đoạn metro đi trên cao có chiều dài 8,5 km vào năm 2021, tăng thêm năng lực vận chuyển và giúp hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thành phố từng bước hoàn thiện. Tạo động lực để thành phố và các sở ngành liên quan chỉ đạo, phối hợp với chủ đầu tư tập trung hoàn thành sớm đoạn tuyến đi ngầm dài 4 km còn lại, cùng với đó là nhiều dự án metro khác.
Tại dự án metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (dự án thứ 2 đang được triển khai ở hiện trường), sau hàng loạt khó khăn về việc quy hoạch mặt bằng và thiết kế một số nhà ga, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong hiện dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, MRB đã hoàn thành công tác sơ tuyển 5 gói thầu xây lắp và thiết bị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng 9/10 ga. Với ga C9 (tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, quy hoạch mặt bằng nhà ga đang được dư luận quan tâm thời gian qua), đã hoàn thành công tác trưng bày lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, thông tin trên báo chí, truyền thông và tổ chức tọa đàm với các cơ quan chức năng, các nhà khoa học có liên quan. Với việc triển khai ở hiện trường, hiện MRB đã hoàn thành công tác GPMB khoảng 86% diện tích khu đề-po (depot); khoảng 52% diện tích đoạn trên cao và 28% diện tích đoạn đi ngầm…

Nhiều dự án metro cùng chuyển động
Cùng với 2 dự án đoạn tuyến trên, theo quy hoạch từ nay đến năm 2030 tầm nhìn 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ triển khai thêm 7 tuyến metro. Mục tiêu khi hoàn thành 9 tuyến metro này, ngoài giúp hoàn thiện hệ thống VTHKCC, đảm bảo sau năm 2030 riêng metro sẽ vận chuyển được 3,2 triệu lượt hành khách/ngày, đáp ứng được 25 đến 30% thị phần VTHKCC tại khu vực trung tâm. Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội đang triển khai 4 đoạn tuyến metro theo quy hoạch, bao gồm: tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông; tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên; tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trong đó MRB được giao triển khai tuyến số 3 và tuyến số 2 (còn lại là Bộ GTVT - PV).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dự án còn lại được thành phố tiếp tục giao cho MRB chuẩn bị đầu tư. Về tiến độ, đến nay MRB đã thực hiện bàn giao dự án tuyến 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, và tuyến số 4, số 5 cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện theo chỉ đạo của thành phố. Làm việc với các nhà tài trợ hỗ trợ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án: tuyến metro số 2, đoạn Nội Bài - Nam Thăng Long; tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến metro số 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá…

Đánh giá về thực tế khi triển khai các dự án metro ở Hà Nội, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, mặc dù có quy hoạch chung nhưng quy hoạch chi tiết cho từng tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội lại chưa có. Cùng với đó sự kết nối giữa các tuyến và kết nối với các loại hình vận tải công cộng trong đô thị chưa được xác định cụ thể nên làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và quy mô dự án. “Những dự án MRB đang triển khai là những dự án metro đầu tiên ở Hà Nội, chưa có tiền lệ ở trong nước, am hiểu về metro còn nhiều hạn chế dẫn đến nhiều nội dung liên quan đến lựa chọn công nghệ và thiết bị đến nay vẫn chưa được cấp thẩm quyền quyết định, nhiều vật tư chuyên dụng khó đánh giá, kiểm soát về giá”, đại diện Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam đánh giá.

Từ thực tế trên, đại diện Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng: tuy là đơn vị thực hiện dự án nhưng MRB lại phải đóng vai trò như đơn vị xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đơn cử, trong quá trình triển khai dự án ở thực tế, do vừa phải thi công vừa phải đảm bảo giao thông; ngoài ra còn vướng nhiều công trình ngầm, nổi; thậm chí tư vấn trên lĩnh vực metro cũng chưa biết phải theo dõi, quản lý họ thế nào?…  Tuy nhiên với vai trò như trên, để kịp thi công, đẩy tiến độ dự án, các chủ đầu tư cụ thể là MRB không thể ở trong tâm lý “ngồi đợi” mà phải chủ động trong công việc theo hình thức vừa làm vừa tham mưu cho UBND thành phố tháo gõ khó khăn, hoàn thiện cơ chế. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, qua một số lần hội thảo, nghe MRB báo cáo về các giải pháp thi công, đẩy tiến độ một số dự án metro trong đó có đoạn Nhổn - ga Hà Nội ông thấy, MRB đã đưa ra một số biện pháp mang tính “cẩm nang” thi công. Theo đó, các biện pháp này được ông Thủy ghi chép như: Biện pháp và thời gian thi công trong điều kiện địa hình vừa làm vừa đảm bảo giao thông; Biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ tư vấn giám sát; Phương án di dời hạ tầng ngầm nổi, di chuyển cây xanh trong đô thị...

8 tuyến metro theo quy hoạch của Thủ tướng được giao cho MRB triển khai, gồm: 
Tuyến 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; Tuyến 2, đoạn Nội Bài - Nam Thăng Long; Tuyến 3, đoạn từ ga Hà Nội - Hoàng Mai; Tuyến 3, đoạn Nhổn - VĐ4 - Sơn Tây; Tuyến 4, Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; Tuyến 5, Văn Cao - Hòa Lạc; Tuyến 6, đoạn Nội Bài - Phú Diễn; Tuyến 8 Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá. Tổng chiều dài của 9 tuyến này là 221,7 km, trong đó có 161 km đi trên cao và 60,6 km đi ngầm.



Phối cảnh nhà ga C9 của dự án metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Sau thời gian dài trắng đêm lao lắp, cuối năm 2018, phiến dầm chữ U nặng 150 tấn, dài 25 mét cuối cùng đã được MRB hợp long đoạn trên cao tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội