Những nhà thơ Mỹ coi Việt Nam là máu thịt

TP - Ba người, ba hoàn cảnh, nhưng số phận đã run rủi để họ gắn bó với Việt Nam, để rồi Việt Nam giờ đây là máu thịt của cuộc đời họ.

Trong số các nhà thơ tham gia Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ quốc tế năm nay có ba nhà thơ Hoa Kỳ: một người đàn ông từng tham chiến ở Việt Nam, bị thương và sau đó tham gia phong trào phản chiến khi về nước, một người phụ nữ nhiều lần xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và bị cảnh sát đánh dùi cui vào đầu để giờ đây hộp sọ của bà vẫn còn một vết lõm nhỏ, và một nam thanh niên được sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc.

Ba người, ba hoàn cảnh, nhưng số phận đã run rủi để họ gắn bó với Việt Nam, để rồi Việt Nam giờ đây là máu thịt của cuộc đời họ. Tình yêu của họ dành cho đất nước chúng ta được thể hiện qua những tác phẩm thơ họ viết tặng Việt Nam.

Tiền Phong Chủ Nhật mời bạn thưởng thức những bài thơ này - đều do nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai giới thiệu và chuyển ngữ.

Bruce Weigl

Bruce Weigl đã tham chiến tại chiến trường Quảng Trị vào năm 1967-1968. Ông đã nhận một người con nuôi Việt Nam (Nguyễn Thị Hạnh Weigl). Hàng tuần, ông chở con đi đến nhà những người bạn Việt Nam mà ông quen biết ở tiểu bang Ohio để con có thể học thành thạo tiếng Việt.

Ông là tác giả của 13 tập thơ và đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương uy tín như: Giải thưởng Nhà thơ xuất sắc của Viện Thi ca Mỹ, giải thưởng thơ Patterson, giải thưởng của Quỹ Phát triển nghệ thuật quốc gia và Quỹ Yaddo, giải thưởng Pushcart và giải thưởng văn học Lannan.

Ông là người đã tìm dịch những bài thơ của những người lính bộ đội miền Bắc viết trong chiến tranh và xuất bản chúng trong tập thơ “Poems from Captured Documents” (Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ).

Lời thơ tặng Mẹ Nguyễn Thị Vẻ

                Viết thay cho Nguyễn Thị Hạnh Weigl

Được sinh ra trong văn hóa lúa Hà Nam

đầu tiên là đất

thứ hai là nước

thứ ba là những ngày dài còng lưng dưới mặt trời

thứ tư là thóc giống

như cuộc đời Mẹ đã bắt đầu

dưới bầu trời vần vũ của chiến tranh

Rồi Mẹ như cây mạ

sẵn sàng cho số phận bứng lên

từ mảnh ruộng Mẹ đã được gieo

để lại được cấy xuống

trong hàng hàng những người sống sót

Mẹ vươn lên từ bùn, Mẹ vươn lên trong bão táp

Dậy thì khi lúa trổ đòng

bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp

Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh

tự do chảy qua những cánh đồng

rễ bám đất cưu mang đòng nặng hạt

Khi lúa chín, Mẹ hái gặt điều thiêng liêng nhất

của đời mình bằng tiếng hát

bằng yêu thương sâu thẳm trong tim

bằng nước mắt, tiếng cười ngày làm mẹ

Nhưng - số phận chia lìa hai ngả

Mẹ lặng lẽ gặt mình thành gốc rạ

cô liêu trên đồng trống tái màu

Giờ đây Mẹ trở về thóc giống

để chúng con cùng nâng niu, cất giữ, gieo trồng

để những hạt-gạo-Mẹ chúng con ăn vào cơ thể

lại trổ đòng

lại xanh mướt xanh.

Carolyn Forché

Nhà thơ, giáo sư Carolyn Forché là một trong những nữ thi sĩ đương đại hàng đầu của Mỹ và là tác giả của 12 quyển sách. Chồng cũ của bà từng là một cựu binh tham chiến ở Việt Nam. Chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh qua những vết thương tâm lý và thể xác dai dẳng của chồng, bà đã tích cực tham gia phong trào phản chiến. Trong một cuộc biểu tình phản đối việc thả bom và mìn xuống cảng Hải Phòng, bà đã bị cảnh sát đánh dùi cui vào đầu và bị thương. Bà sáng tác bài thơ “Huế: từ quyển sổ tay” khi đến Việt Nam lần đầu tiên. Các tác phẩm thơ của Carolyn Forché đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: giải thưởng thơ Lannan, giải thưởng John Simon Guggenheim, giải thưởng của Quỹ Phát triển nghệ thuật quốc gia, giải thưởng Robert Creeley, giải thưởng Windham-Campbell… Hiện bà là giáo sư của trường đại học Georgetown và là giám đốc trung tâm thơ ca Georgetown Lannan.

Huế: từ quyển sổ tay

Xuôi trên sông Hương trên chiếc thuyền rồng

Chúng tôi đến ngôi chùa với ba pho tượng Phật vàng trầm mặc

Hãy khẩn cầu ở đây - một cậu bé thầm thì - ông bà có thể xin Phật ban cho hạnh phúc

Chúng tôi thắp hương, thả những chiếc nến trong túi giấy xuống nước

Thân xác chúng tôi rời đi, hồn ở lại trên thuyền

Những người lính bên cạnh tôi đã từ bỏ chiến tranh từ nhiều thế kỷ

Tóc họ bạc màu, những mái tóc pha sương, vầng trăng mắc kẹt giữa bông hoa sứ

Nước mắt họ trôi cùng với sông Hương

Nước mắt họ chảy theo ánh nến chập chờn

Hàng nghìn ngọn nến trôi trên sông, một quyển sổ tay mở ra trong bóng tối

Bầu không khí yên lặng như sự im lặng trước khi mìn nổ tung

Một thời những người lính này đã bắn vào nhau

Bây giờ họ lặng lẽ bên nhau, những bông hoa sứ cạnh những bông hoa sứ

Chợt tiếng những cánh cò xao xác vụt lên, những sợi xích xe đạp lạch cạnh trên phố

Ở đây trên mười ngàn ngôi mộ những bông cúc nằm nghiêng

Chúng ta như những áng mây cứ trôi đi mê mải

Một cựu binh thở dài và nói

Sẽ thế nào khi chúng ta không giống những đám mây?

Chúng ta là những ống sáo trên cánh đồng nằm chờ hơi thở

Paul Christiansen

Paul Christiansen đã nhận được hai giải thưởng thơ từ Viện thi ca Mỹ. Năm 2015-2016, anh sang Quy Nhơn làm việc theo học bổng Fulbright. Tình yêu đối với đất nước Việt Nam đã lôi kéo anh trở lại, để giờ đây anh sống và viết ở Tp HCM, làm việc với tư cách phóng viên cho báo Saigoneer. Anh đã có nhiều bài viết giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế như: tục lệ thờ cá ông của Việt Nam, lịch sử của rượu gạo, những truyền thuyết về quả vải, sự độc đáo của bánh mì Việt Nam…

Ban mai ở Quy Nhơn

Trước khi bầu trời đập vỡ mặt trời vào vách đá cạnh biển

ánh sáng lòng đỏ trứng tràn khắp dải xi-măng và đất vương vãi vỏ sò của thành phố

Những công nhân xưởng nước đá đường Trần Hưng Đạo đã thức giấc, miệt mài làm việc

Điếu thuốc của họ rực lên trong bóng tối như đầu huỳnh quang của những con cá kiếm 

Chẳng mặc gì ngoài quần đùi vải và ủng cao su lên tới đầu gối

Họ xịt nước máy từ đầu vòi rỉ sét vào những hộp kim loại dài ba thước

rồi nhấc mặt sàn lên, đẩy hộp xuống hầm bê-tông sâu hun hút

nơi một hệ thống chằng chịt, giấu kín của dây nhợ, đường ống

biến nước âm ấm thành tảng lạnh pha lê

Họ nằm nghỉ dưới những cánh quạt đang quanh đi quẩn lại như con hổ bị cầm tù

Chỉ đứng dậy để khai quật những tảng nước đá bằng thanh sắt

Rồi xếp chồng những khối nước đang bốc hơi như ngọn núi lửa đang thức giấc

Đẩy chúng trượt xuống thanh gỗ nghiêng vào thùng xe tải giao hàng

Không phải loại nước đá sạch dùng cho quán rượu hay quán ăn

Những tảng nước này sẽ được chặt ra, băm nhỏ

mảnh vỡ của chúng xây tổ cho tôm, cá, mực, và lươn ngoài chợ

đổ xuống hộp xốp đựng dừa của những người bán dạo dọc bãi biển có khách tham quan

Khi đó những người công nhân xưởng nước đá đường Trần Hưng Đạo bước ra đường

Họ trở về nhà, những ngón tay đông cứng được mặt trời đánh thức

Đó là mặt trời man rợ của hàng triệu năm trước

Mặt trời của những sinh vật biển cổ xưa hóa đá, vượn người

Mặt trời ấy không cho phép những dòng sông băng hờ hững đặt đôi môi

lên thái dương xích đạo nóng ran của trái đất