Bản hùng ca đầu sóng- Bài 1:

Những người mở khóa vào cửa tử

TP - 40 năm đã qua, nhưng những chiến công sáng tạo trong rà phá thủy lôi và bom từ trường của bộ đội Hải quân mãi được nhắc đến như một minh chứng cho tinh thần không chịu khuất phục trước kẻ thù. 

Trong những năm 1967-1968 và 1972-1973, với âm mưu ngăn chặn miền Bắc chi viện cho miền Nam đồng thời hạn chế sự chi viện của quốc tế cho Việt Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng thủy lôi và bom từ trường hòng “bịt lấp” các cửa sông, cửa biển miền Bắc. Hải quân nhân dân Việt Nam cùng với quân dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu đầy cam go, ác liệt. 40 năm đã qua, nhưng những chiến công sáng tạo trong rà phá thủy lôi và bom từ trường của bộ đội Hải quân mãi được nhắc đến như một minh chứng cho tinh thần không chịu khuất phục trước kẻ thù. 

Đại úy Trương Thế Hùng, nguyên Đội trưởng Đội 8 Công binh Hải quân - người tháo gỡ thành công quả thủy lôi đầu tiên, mở đường cho quân dân miền Bắc tìm ra phương tiện rà phá thủy lôi sau này. Chúng tôi gọi ông là người mở được khóa vào cửa tử.

Hóa giải thần chết


Một sáng chủ nhật, tôi tìm đến nhà ông tại ngõ 137, đường Trần Phú, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Không khác nhiều so với những gì tôi hình dung về ông. Khuôn mặt chữ điền, lông mày rậm, mắt luôn nhìn thẳng, khiến ai gặp ông lần đầu đều thấy gần gũi, quý mến. 

Nhớ lại những ngày đối mặt với tử thần trên chiến trường sông biển miền Bắc, ông Hùng kể: Đúng như nhận định của ta, đêm 27 rạng ngày 28/2/1967, Mỹ đã sử dụng nhiều lần với nhiều loại máy bay thả một số lượng lớn thuỷ lôi MK - 50, MK - 52 và bom từ trường DST-36 mang đầu nổ MK - 42 xuống hầu hết các cửa sông ở Khu IV mà trọng điểm là 4 cửa sông lớn: sông Mã - Thanh Hóa, sông Gianh - Quảng Bình, cửa Hội - Nghệ An, sông Nhật Lệ - Quảng Bình và 20 cửa sông khác ở miền Bắc, nhằm làm tê liệt đường vận chuyển trên sông biển của ta. 

Để hóa giải những quả thủy lôi, khơi thông luồng lạch, không còn cách nào khác là phải bắt chúng “mở miệng”. Lúc bấy giờ ông Trương Thế Hùng là một trong những sỹ quan được đào tạo cơ bản về vũ khí dưới nước nên Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định chọn ông và 2 cộng sự là ông Trần Thanh Hoài và Đào Kỳ vào Khu IV thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chiến trường và làm nhiệm vụ tiền trạm chuẩn bị đưa đơn vị vào.

Ông Hùng và 2 cộng sự lên đường vào Khu IV bằng xe đạp, vượt quãng đường hơn 400 cây số từ Hải Phòng vào Nghệ An. Đường vào tuyến lửa những ngày ấy vô cùng ác liệt, bom đạn bời bời, sống chết trong gang tấc. Vào Nghệ An, đoàn công tác mới biết công binh Quảng Bình vừa vớt được 2 quả thuỷ lôi hình dáng khác nhau ở mép sông gần khu vực bến phà sông Gianh. Ông Hùng đề nghị Quân khu IV giữ nguyên hiện trường. Sau đó các ông đã yêu cầu chở thủy lôi ra Nam Đàn - Nghệ An. 

Thay mặt đoàn công tác, ông Hùng báo cáo tình hình với Tư lệnh Hải quân và nhận được chỉ thị: Bằng mọi cách phải tháo gỡ thuỷ lôi ngay tại chỗ, tháo gỡ hoàn chỉnh và giữ nguyên vẹn để nghiên cứu, nắm được tính năng và nguyên lý gây nổ của thủy lôi địch. 

Mươi ngày sau, ba ông Hùng, Hoài, Kỳ về Nam Đàn, Nghệ An chuẩn bị cho công việc tháo thủy lôi. Hai quả thủy lôi đặt trong một ngôi miếu ở giữa cánh đồng Nam Đàn. Khi tiếp cận thủy lôi, các ông đều nhận định: Hai quả thủy lôi nguyên trạng, vẫn an toàn, cho phép có thể tháo được chúng. 

Tháo thủy lôi là nhiệm vụ rất nguy hiểm, lúc bấy giờ các bác có được trang bị dụng cụ chuyên dụng tháo gỡ không ạ? - Tôi hỏi:

Ống phóng từ KCN lắp đặt trên ca nô do Tổng cục Hậu cần sản xuất
- Không. Không có dụng cụ chuyên dụng nào cả. - Ông khẳng định. Tính toán kỹ, cuối cùng chúng tôi quyết định lấy dụng cụ chữa xe đạp dọc đường để tháo. Đây là dụng cụ không an toàn nhưng trong hoàn cảnh đó, không còn cách nào khác. Chúng tôi xác định làm liều, tuy nhiên, liều có cơ sở khoa học. Thứ nhất, thủy lôi được vận chuyển từ Quảng Bình ra bằng xe ô tô nhưng không hề kích nổ. Thứ 2, thủy lôi không chịu áp lực nước nên chứng tỏ chúng đang ở trạng thái bình thường. Đó chính là những cơ sở để chúng tôi “liều”.

Ngừng một lát ông Hùng kể tiếp: Trước khi tháo tôi chụp ảnh thủy lôi đề phòng có nổ cũng có hình ảnh lưu lại. Hai đồng chí Kỳ, Hoài nấp sau một mô đất cách vị trí tôi tháo khoảng 10m. Chúng tôi thống nhất đánh số thứ tự 8 con ốc ở ngòi nổ và quy ước khi tháo phải hô to cho 2 người kia biết thứ tự từng ốc đang tháo. Làm như vậy thủy lôi có nổ còn biết nổ ở ốc thứ mấy.

Giây phút đặt chiếc mỏ lết lên chiếc ốc ngòi nổ đầu tiên, mọi người đều nín thở. Chưa bao giờ thời gian trôi chậm đến thế. Thời tiết tháng ba mà mồ hôi toát ra như tắm, căng thẳng đến tột độ. Những con ốc dính đầy bùn đất, dụng cụ thì chỉ là chiếc mỏ lết bình thường, tôi phải nhích dần, nhích dần từng ly một. “Ốc số một “- tôi hô to. Ốc số hai... và khi ốc số 8 cuối cùng ở ngòi nổ rời khỏi khối thuốc, tôi thở phào. Nhưng đề phòng chúng cài bẫy trong ngòi nổ, tay tôi ấn chặt và từ từ tháo ngòi nổ ra. Lúc này anh Kỳ và Hoài chạy lại, 3 anh em ôm chầm lấy nhau mà nước mắt cứ trào ra...

Sau đó các ông cùng nhau tháo bộ máy gây nổ phía sau thủy lôi. Việc này cũng vất vả không kém, phải lần lượt tháo hết 24 con ốc phía ngoài, 4 con ốc kẹp chặt phía trong, ba anh em phải gồng mình lùa bộ máy gây nổ nặng vài chục cân theo hai đường rãnh ở thủy lôi đưa ra ngoài. Quả thủy lôi MK - 50 cũng tiến hành tương tự. Hơn một giờ sau nó được gỡ an toàn trước sự mừng vui khôn xiết của đồng đội.

Bắt sống “tử thần”

Sau khi tháo thành công 2 quả thủy lôi, ông Hùng và các cộng sự đã nhanh chóng giới thiệu sơ bộ hai quả thủy lôi này cho cán bộ Quân khu IV và tổ chức lớp huấn luyện rà phá thủy lôi cho cán bộ công binh. Vài ngày sau, 2 quả thủy lôi này được chuyển ra Bộ Tư lệnh Hải quân tại Hải Phòng để nghiên cứu, dò tìm mạch điện, lên sơ đồ tìm nguyên lý gây nổ của thủy lôi để có cơ sở sản xuất phương tiện rà phá. Đây là một bước vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có những cán bộ kỹ thuật giỏi, tinh thông nghiệp vụ mới có thể thực hiện.

Ông Trương Thế Hùng đang giới thiệu cho các em sinh viên về thủy lôi MK-50 và MK-52 tại Bảo tàng Hải quân
Không chịu bó tay khuất phục trước tử thần sông biển, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao cho ông Trương Thế Hùng phối hợp với ông Nguyễn Khoái, nguyên Giám đốc Xưởng 56 Hải quân thực hiện công việc gian nan này. 

Ông Nguyễn Khoái kể lại: Nhiệm vụ của cán bộ, công nhân Xưởng 56 là mổ xẻ, phanh phui, tìm hiểu tất cả những tính năng, kỹ chiến thuật của nó. Trên cơ sở đó, chúng tôi vẽ sơ đồ nguyên lí, vẽ sơ đồ mạch điện, tìm hiểu các phương pháp xem địch sử dụng thế nào, chiến thuật ra sao? Chỉ trong vòng 20 ngày, chúng tôi đã tìm ra nguyên lý, cấu tạo, hoạt động và lập được sơ đồ mạch điện của thủy lôi MK - 52 (cảm ứng từ) và MK - 50 (âm thanh). Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho Xưởng X46 lựa chọn một số cán bộ chuyên ngành tham gia thiết kế, chế tạo thiết bị rà phá thủy lôi. Ông Nguyễn Trọng Bích là cán bộ kỹ thuật điện của nhà máy được giao phụ trách chính. 

Căn cứ vào sơ đồ mạch điện, nguyên lý nổ của thủy lôi đã tìm ra, ông Nguyễn Trọng Bích đã mạnh dạn đưa ra sơ đồ thiết kế thiết bị rà phá thủy lôi đầu tiên có tên là HDL-9 (ký hiệu này thực tế là các chữ viết tắt: H là Hải quân, DL là diệt lôi, số 9 là sản xuất vào tháng 9 năm 1967).

Sau khi thiết bị HDL - 9 hoàn thành đã thử nghiệm và đưa ra rà phá thí điểm. Trong 3 đêm liên tục từ ngày 2 đến ngày 4/2/1968, ông Trịnh Thanh Tơ và ông Ngô Tấn Khoa (Đội 8 Công binh Hải quân) điều khiển HDL-9 rà phá thủy lôi ở khu vực ngã ba sông Tam Bạc đến cầu Niệm Nghĩa và các khu vực phà Cựu, phà Khuể - Hải Phòng, đã phá nổ 17 quả bom từ trường DST-36. Quả nổ gần nhất là 20 m, quả nổ xa nhất là 100 m và đều nổ ở phía trước an toàn.

Ông Trương Thế Hùng cho biết: Qua thực tế chiến đấu, HDL-9 thực sự là phương tiện chủ lực để rà phá thủy lôi trên các sông ở khu vực Hải Phòng, góp phần giải phóng luồng lạch, bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của HDL-9 là khi sông có dòng chảy lớn sẽ không phát huy được hiệu quả. 

Ông Tăng Đình Tiến, nguyên Phó giám đốc Nhà máy X46 Hải quân kể lại: Năm 1968, tranh thủ thời gian địch ngừng đánh phá, ta mở chiến dịch VT-5 (1/1/1968) tập trung phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ các nơi vào Quân khu 4 để tiếp tục vận chuyển theo đường Hồ Chí Minh vào miền Nam. Vấn đề đặt ra là phải khẩn trương rà phá thủy lôi, công khai các tuyến đường thủy ở Quảng Bình nhất là tuyến sông Gianh đi bến phà Xuân Sơn. Trước tình hình đó, ông Nguyễn Trọng Bích cùng với các bộ phận nghiên cứu và cán bộ kỹ thuật Xưởng 46 Hải quân đã thiết kế, chế tạo thành công một thiết bị rà phá mới cơ động gọn, nhẹ, dễ sử dụng hơn HDL-9 mang tên là HT-5 (H là Hải quân, T là từ trường, 5 là tháng 5 năm 1968).

Sau khi chế tạo, thiết bị HT-5 được lắp trên ca nô C45 rà phá thí điểm ở sông Gianh (Quảng Bình) đã phá nổ 18 quả bom từ trường. Xưởng 46 sản xuất thêm 3 chiếc nữa lắp trên ca nô C28, C30, C51 để tập trung rà phá mở luồng ở bến phà Xuân Sơn. Những thiết bị rà phá thủy lôi này đã góp phần to lớn cho chiến dịch vận tải VT-5. 

Tiếp tục phát huy những sáng kiến, bằng những nỗ lực lao động quên mình của cán bộ, công nhân, sản phẩm tàu phóng từ đầu tiên mang tên V412 đã hoàn thành. Qua thử nghiệm xác định, tàu phóng từ V412 là phương tiện phóng từ mạnh có thể phá nổ thủy lôi ở cự li trước mũi tàu 100m, chính ngang mạn tàu 75m và hiện đại hơn hẳn các thiết bị mà Mỹ sử dụng để rà phá thủy lôi ở sông biển. Từ thành công đó lực lượng hải quân tiếp tục cải tiến thêm nhiều tàu nữa thành phương tiện rà phá thủy lôi để cung cấp cho lực lượng chống phong tỏa...

(Còn nữa) 

Việc tháo gỡ thành công hai quả thủy lôi rất quan trọng. Nó là cơ sở để nghiên cứu tính năng, nguyên lý hoạt động thủy lôi địch, là hiện vật để giới thiệu, huấn luyện cho các lực lượng tham gia tháo gỡ, đồng thời là tiền đề để Hải quân nghiên cứu, chế tạo những thiết bị, phương tiện rà phá thủy lôi Mỹ sau này.