Những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp (DN) thuần tuý nhập khẩu, các dự án vay vốn VND từ Ngân hàng Phát triển, người dân gửi tiền tiết kiệm bằng VND và đông đảo hơn là đa số người dân do giá cả hàng hoá dịch vụ tăng (tỉ giá tăng gây áp lực lên lạm phát). Còn ai sẽ được lợi từ lần điều chỉnh tỉ giá mạnh lần này thì cũng không khó để nhận ra...
Người biết đường đi của tỉ giá
Đó là một số người dân/nhóm lợi ích dự đoán được xu hướng tỉ giá và những DN khôn ngoan biết lợi dụng những giao dịch NH giữa hai đồng tiền.
Phần lớn những người có các nguồn thu nhập cao từ vị trí công việc, đầu tư/đầu cơ không chuyên từ lâu đã thường xuyên chuyển từ tiền đồng sang nắm giữ USD. Có những người đã mua hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn USD từ khi giá USD trên thị trường tự do còn trong khoảng từ 18.000 - 19.000đ/USD. Nếu quy đổi ra tiền Việt chỉ trong vòng 6,7 tháng có người đã lãi hàng trăm triệu đồng. Ví dụ, mua 100.000USD với giá 19.000đ/USD, nay giá bán ra là 21.500đ/USD thì người nắm giữ lãi 250 triệu đồng.
Trong bối cảnh hiện nay thì mức sinh lời như vậy là rất cao. Nhiều DN, kể cả các DN NK cũng kiếm lời lớn từ việc găm giữ USD (vốn tự có) của mình trên tài khoản tiền gửi và coi đây là khoản cầm cố để vay VND từ NH thương mại với mức lãi suất khoảng 13%-14%/năm.
Với mức tỉ giá điều chỉnh cao lần này, bù trừ thuần túy giữa số tiền trả lãi vay VND và chênh lệch tỉ giá, nhiều DN vẫn lãi lớn (đó là chưa kể lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi sử dụng đồng vốn NH).
Một số thành viên của thị trường
Những ví dụ kể trên thì mọi người dễ dàng biết, nhưng còn có thông tin (khó được kiểm chứng) đó là một số NH cũng kiếm lời lớn từ lần điều chỉnh này vì họ đã mua gom một số lượng lớn USD khi tỉ giá còn dưới 21.000đ và hạn chế bán ra (tiết cung).
Thời gian cuối năm 2010 - đầu 2011, thị trường xôn xao vì lãi suất huy động USD quá cao (đến mức 6,3%/năm), có nhiều nguyên nhân được đưa ra bình luận, nhưng ít người biết rằng một trong những lý do đó là NH và DN bắt tay nhau để xử lý vấn đề nợ ngoại tệ khi tỉ giá còn tạm thời thấp.
Một số DN NK tranh thủ vay USD từ NH để trả nợ trước hạn cho nhà XK (tránh khi đến hạn trả nợ tỉ giá có thể lên cao), sau đó mua USD (khi tỉ giá chưa điều chỉnh) để trả nợ ngay NH. Nhu cầu vay USD tăng mạnh khiến NH phải tăng lãi suất huy động hút USD.
Một thị trường cũng có thể được lợi từ việc điều chỉnh tỉ giá, đó là TTCK. Theo nhận định của một số chuyên gia thì việc tăng tỉ giá sẽ khiến nhiều NĐT nước ngoài sẽ cân nhắc việc giải ngân vào TTCK VN, tạo cú hích cho thị trường đang bấp bênh này. Trước đây, họ còn cân nhắc vì rủi ro tỉ giá quá lớn.
Kể ra chuyện ai được hưởng lợi, ai không từ lần điều chỉnh tỉ giá lần này cũng chưa phải là sự khẳng định hoàn toàn, vì để định lượng một cách rõ ràng thì còn rất nhiều yếu tố đan xen. Ví dụ, những người nắm giữ USD chỉ có lợi khi họ chuyển sang tiền VND, còn giá trị nếu tính bằng USD thì vẫn không thay đổi.
Còn đối với XK nói chung thì như một người dân đã nói: “Mục đích của việc phá giá đồng nội tệ là gì? Nhằm kích thích XK và tăng trưởng - cân bằng cán cân thanh toán. Tuy nhiên các nhà quản lý quên rằng các ngành phụ trợ cho XK hầu hết là phải NK. Vậy XK ròng sẽ được bao nhiêu? Tình trạng khan hiếm USD có được giải quyết? Rồi tình trạng 2 giá USD sẽ lại tái lập. Để giải quyết vấn đề này, về lâu dài phải xử lý từ gốc, nghĩa là phải kích thích, hỗ trợ phát triển các ngành nghề phụ trợ - hỗ trợ trong nước, không phụ thuộc nhiều
vào NK”.
Trước khi tỉ giá được điều chỉnh, kết quả điều tra của một tờ báo mạng với câu hỏi: Nếu có tiền bạn sẽ đầu tư vào kênh nào? Ngoại tệ là kênh đầu tư ít người chọn nhất (8,2%/10.947 phiếu). Không hiểu sau lần điều chỉnh tỉ giá lần này tỉ lệ trên có thay đổi? Thu lợi lớn nhất từ kênh đầu tư nào trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay không phải là một câu trả lời dễ cho tất cả mọi người.
Lao Động