Những người cực nguy hiểm nếu nội soi dạ dày

TPO - Hiện nay, thủ thuật nội soi dạ dày được chỉ định khá rộng. Chẩn đoán bệnh bằng nội soi có độ chính xác cao hơn so với phương pháp chụp X quang hay siêu âm nhưng không phải ai cũng nên thực hiện phương pháp này.
Ảnh minh hoạ: Internet

Hiện nay, thủ thuật nội soi dạ dày được chỉ định khá rộng. Việc chẩn đoán bệnh bằng nội soi có độ chính xác cao hơn so với phương pháp chụp X quang hay siêu âm.

Ngoài việc chẩn đoán bệnh, nội soi dạ dày còn được chỉ định để lấy các dị vật ống tiêu hóa, điều trị xuất huyết tiêu hóa, xét nghiệm vi khuẩn HP, giúp lấy các mẫu mô sinh thiết từ tổn thương hoặc niêm mạc dạ dày gửi xét nghiệm khi nghi ngờ ung thư

Nội soi dạ dày khi nào?

Người bệnh cần thực hiện nội soi đường tiêu hóa trên khi có các triệu chứng: Khó nuốt hay nuốt đau, nuốt nghẹn, nuốt vướng; Đau sau xương ức, cảm giác trào ngược, thường xuyên buồn nôn khi đánh răng; Đau thượng vị, nóng rát thượng vị. Nôn ra máu; Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng, chậm tiêu, buồn nôn và nôn, đầy hơi, thiếu máu, thiếu sắt; Ho, viêm họng kéo dài, cảm giác vướng; Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân; Ăn uống chung với người đã bị nhiễm vi khuẩn HP và có một trong những triệu chứng trên.

Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi dạ dày?

Để đảm bảo nội soi được an toàn và có kết quả tốt, bệnh nhân cần phải nhịn ăn uống trước nội soi tối thiểu 6 giờ để tránh sặc thức ăn và bảo đảm cho việc quan sát, đánh giá tổn thương trong quá trình nội soi (nên nội soi dạ dày vào buổi sáng, sau 1 đêm không ăn uống).

Khi bị hẹp môn vị, bệnh nhân cần phải nhịn ăn lâu hơn (12 24 giờ) hoặc phải đặt ống thông để bơm rửa dạ dày. Không uống nước có màu, sữa, thuốc cản quang… vào buổi sáng ngày nội soi. Ngoài ra, bệnh nhân cần cho bác sĩ nội soi biết các loại thuốc đã dùng gần đây, tiền sử dị ứng thuốc và các bệnh kèm theo nhằm đảm bảo tính an toàn của thủ thuật nội soi.

Sau khi thực hiện nội soi, nên hạn chế dùng thức ăn cay nóng vì có thể tổn thương niêm mạc miệng mà bạn không nhận biết được do ảnh hưởng của thuốc tê. Không nên khạc nhổ mà chỉ ngậm và súc miệng với ít nước muối pha loãng là đủ. Các triệu chứng có thể gặp sau nội soi như: đau họng, bụng chướng hơi, buồn nôn, bí tiểu... nhưng nó sẽ mất trong vòng 24 giờ.

Ai không nên thực hiện nội soi dạ dày?

Nội soi dạ dày là một thủ thuật khá an toàn. Đây là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán viêm loét, ung thư thực quản, dạ dày - tá tràng. Bệnh nhân thường được về nhà ngay sau khi soi. Mặc dù vậy, bất kỳ thủ thuật xâm lấn nào cũng có những biến chứng có thể xảy ra. Những biến chứng có thể xảy ra khi nội soi dạ dày là nhiễm khuẩn, chảy máu, thủng tá tràng, thực quản hoặc dạ dày và nặng hơn nhưng rất hiếm gặp là sốc phản vệ nếu dùng thuốc.

Nội soi dạ dày không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, bác sĩ có thể hoãn nội soi khi nghi ngờ: thủng dạ dày, bỏng do uống acid, suy tim, thiếu máu cơ tim cấp, suy hô hấp hoặc mới ăn no; chất barium còn sót lại trong ống tiêu hóa sau khi chụp dạ dày cản quang sẽ gây khó khăn cho nội soi đường tiêu hóa trên; những bệnh nhân có túi phình lớn ở động mạch chủ, túi thừa Zenker (là một túi thoát vị ở thực quản), loét thủng mới xảy ra gần đây, hoặc thủng ở những nơi khác trong ống tiêu hóa...

Trường hợp của bác, bác sĩ đã cân nhắc và chỉ định nội soi dạ dày thì bác nên yên tâm và làm theo để được chẩn đoán và chữa trị bệnh triệt để.