Những người con bất tử - Kỳ 2: Trọn đời hiến dâng cho biển

TP - Trong những liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa tháng 3/1988, liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông, người “tổng chỉ huy” tác chiến sắc sảo trong trận chiến không cân sức đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh.

Cùng trên con tàu HQ-604 ngày ấy, thuyền phó Lê Đức Hoàng đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh. Các anh đã trọn đời hiến dâng cho biển.

Người “tổng chỉ huy” dũng cảm

Câu chuyện kể về liệt sĩ Trần Đức Thông hy sinh trên đảo Gạc Ma trong trận hải chiến CQ-1988 được các chiến sĩ hải quân Việt Nam coi đó là sức mạnh tinh thần. Trung tá Đỗ Việt Hòa, chính trị viên đảo Sơn Ca tâm sự: “Nói về liệt sĩ Trần Đức Thông, cả đảo Sơn Ca chúng tôi coi đó là tấm gương ngời sáng để học tập. Ngày ấy nếu không có anh hùng Trần Đức Thông quyết đoán táo bạo, chắc hẳn một vài đảo chìm của Việt Nam đã rơi vào tay Trung Quốc”.

Trong “Sổ tay chiến sĩ Trường Sa”, trung tá Hòa viết: “Sống ở nơi đầu sóng ngọn gió này, những chiến công và tinh thần xả thân hy sinh của các liệt sĩ Trường Sa là cẩm nang để mình mài sắc ý chí chiến đấu. Nó như tấm gương ngời sáng để người chỉ huy soi vào đó mà học tập”.

Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông (ảnh tư liệu) 

Đầu tháng ba năm 1988, trung tá Trần Đức Thông đang nghỉ phép tại quê nhà ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hòa, tỉnh Thái Bình thì nhận được điện khẩn “vào đơn vị gấp nhận nhiệm vụ”.

Tạm biệt quê hương sau những ngày phép ngắn ngủi, trung tá Thông trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ tổng chỉ huy cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh, Đoàn đo đạc biên vẽ bản đồ và một số cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân khẩn cấp bí mật ra bãi cạn Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma bảo vệ chủ quyền.

Sau hơn 3 ngày đêm hải trình không nghỉ, trung tá Trần Đức Thông đi trên tàu HQ-604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng. Tại đây anh đã chỉ huy biên đội tàu HQ-604, HQ-505, HQ-605 bốc dỡ vật liệu vào xây đảo Gạc Ma.

Lúc này xung quanh đảo Gạc Ma, lực lượng tàu Trung Quốc đang uy hiếp, dùng xuồng máy cơ động vào đảo hòng nhổ cờ Tổ quốc và chiếm đảo. Tình huống hết sức mau lẹ, trung tá Trần Đức Thông đã chỉ huy bộ đội bình tĩnh chiến đấu và quyết không rời vị trí. Tiếng anh hô lớn: “Bằng mọi cách phải cắm cờ Tổ quốc, đoàn kết, mưu trí, thà chết không lùi bước”.

Mệnh lệnh người chỉ huy vang lên đanh thép như tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ. Trước họng súng địch, các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam không hề nản chí. Tại đảo Gạc Ma, các anh vừa chiến đấu vừa kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc.

Thấy không làm gì được trước tinh thần chiến đấu quật cường của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, tàu Trung Quốc lùi ra xa và dùng hỏa lực nã mạnh về phía tàu HQ-604, sau đó xua quân ồ ạt hạ xuồng đưa quân lên đảo Gạc Ma, đánh chiếm trái phép.

Trung tá Trần Đức Thông đứng trên mũi tàu chỉ huy bộ đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Con tàu HQ-604 bị trúng nhiều đạn, nước ồ ạt tràn vào các khoang và chìm dần xuống biển.

HQ-604, con tàu gắn liền với liệt sĩ Trần Đức Thông, người tổng chỉ huy dũng cảm (tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu)

Liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông sinh năm 1944. Ngày 7/4/1962, tạm biệt quê hương Thái Bình anh lên đường nhập ngũ. Trưởng thành từ chiến sĩ hải quân và kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, trước lúc hy sinh anh là Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân.

Trước lúc ngã vào lòng biển Mẹ, liệt sĩ Trần Đức Thông luôn nêu cao tinh thần khí phách kiên cường của người chỉ huy. Lẽ sống của anh là xả thân cống hiến, sẵn sàng hy sinh quên mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì bình yên của biển đảo.

Nói về liệt sĩ Trần Đức Thông, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Chuẩn Đô đốc Phạm Xuân Điệp, nguyên là chiến sĩ trong tổ ba người cắm cờ trên đảo Cô Lin ngày ấy cho biết: “Trong sự kiện Trường Sa ngày ấy, Trần Đức Thông là một người chỉ huy kiên cường, sẵn sàng chấp nhận gian khổ và sẵn sàng hy sinh bảo vệ đảo. Nếu ngày ấy không có người chỉ huy rắn rỏi, tháo vát như anh Thông, chắc hẳn một số đảo chìm của Trường Sa không được nguyên vẹn như bây giờ”. 

Ngày 13/12/1989, liệt sỹ Trần Đức Thông đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Dành cả tuổi thanh xuân hiến dâng cho biển

Nhắc đến người con đã hy sinh giữa mênh mông sóng nước bảo vệ Trường Sa, ông Lê Văn Thăng, bố của liệt sĩ Lê Đức Hoàng (thuyền phó tàu HQ-604 hy sinh ở Gạc Ma tháng 3/1988) ở xã Hải Yến, Tĩnh Gia, Thanh Hóa không giấu nổi xúc động: “Nó là đứa có hiếu và cương trực. Là con cả của gia đình, nó ra đi chưa hề yêu ai, mà dành cả tuổi thanh xuân của mình hiến dâng cho biển”.   

Liệt sĩ Lê Đức Hoàng (chụp lại từ di ảnh liệt sĩ Hoàng của gia đình).

Chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Thăng. Căn nhà nhỏ nằm cạnh sườn sông xã Hải Yến. Ông Thăng đã khóc khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về liệt sĩ Lê Đức Hoàng. Ông nhìn lên bàn thờ im lặng rồi nước mắt trào ra. 26 năm qua, ông không xóa được nỗi đau mất người con mà ông hằng yêu quý. “Đây là tất cả những gì còn lại. Nó như là xương cốt, máu thịt của tôi”. Ông Thăng ép cuốn nhật ký lên ngực, nỗi đau dâng tràn.

Ông Thăng lần giở những trang nhật ký đã úa vàng theo thời gian cho chúng tôi xem lá thư của Hoàng gửi cho bố mẹ đề ngày 9/3/1988, tức trước khi đi đảo Trường Sa một ngày. Lá thư viết không dài nhưng chứa chan niềm thương yêu bố mẹ và các em ở quê nhà.

Thư có đoạn: “Con phải đi đảo Trường Sa cùng các anh em khác. Nơi ấy đang cần những người lính trẻ như con, Tổ quốc đang cần chúng con bảo vệ. Bố mẹ giữ gìn sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ con sẽ trở về và xây dựng gia đình. Con sẽ lấy vợ và sinh cháu cho bố mẹ bế bồng. Mùa này biển lặng, nếu đi đánh giã bố cẩn thận. Mẹ giữ gìn sức khỏe nhé”.

Ông Thăng nhìn chúng tôi rồi lại nhìn lên bàn thờ - nơi có di ảnh liệt sĩ Lê Đức Hoàng, “Nó đã đi mãi mà không trở về nữa”. Ông Thăng khóc, giọt nước mắt của người cha già hiu quạnh vỡ òa buồn khổ.

Ông Thăng chia sẻ nỗi niềm với lời lẽ trầm buồn: “Vì Hoàng là con cả nên gia đình tôi đều dồn hy vọng vào nó. Là người thông minh và rất có ý chí, Hoàng luôn nỗ lực học hành cho các em noi theo. 8 năm đi bộ đội thì 7 năm đi học ở nước ngoài.

Trong suốt thời gian ấy, nó chỉ nghỉ phép 2 lần về thăm gia đình. Lần nào vợ chồng tôi cũng giục nó lo chuyện gia đình vợ con, nhưng nó cứ khất lần bảo con còn nhiều việc của đơn vị giao phó. Lá thư duy nhất nó viết về cho tôi một ngày trước khi lên tàu HQ-604 đi Trường Sa.

Trong thư nó nói đã được cấp trên cho nghỉ phép từ đầu tháng 3, tàu HQ-604 cũng đã lên ụ để bảo dưỡng, nhưng vì có nhiệm vụ gấp ngoài Trường Sa, nên cả tàu lại chuẩn bị lên đường. Nó còn dặn sau chuyến công tác này sẽ về phép vì nhớ bố mẹ và các em quá… Vậy mà nó không bao giờ trở về nữa. Bà nhà tôi vì quá nhớ thương con nên đã lâm bệnh nặng rồi cũng mất sau đó mấy năm”. Nước mắt ông Thăng trào ra mãi. 

Ông Thăng cầm cuốn nhật ký-di vật thiêng liêng của liệt sĩ Lê Đức Hoàng mà gia đình ông nhận được trong ngày báo tử. Trong cuốn sổ sờn cũ, nhưng những dòng chữ của Hoàng vẫn nguyên vẹn, ghi chép khá đầy đủ những ngày làm nhiệm vụ trên tàu HQ-604 của Lữ đoàn 125 Hải quân. 

Khi tôi hỏi thêm chuyện riêng tư được liệt sĩ Hoàng ghi trong nhật ký, thì ông Thăng bảo: “Anh ơi, đừng nhắc lại chuyện ấy nữa. Nó là con cả trong gia đình. Lúc nó đi đảo, nó chưa yêu ai cả. Tôi không muốn nhắc lại những gì đau lòng mà Hoàng ghi trong cuốn nhật ký ấy”.

Năm 1980 ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, chàng trai Lê Đức Hoàng xung phong vào bộ đội, mặc dù anh đã thi đậu trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày những đứa bạn cùng lớp ra Hà Nội nhập trường, là ngày Hoàng nói với bố mẹ anh, “Con chỉ muốn đi bộ đội. Con muốn làm chiến sĩ hải quân đứng canh ngoài hải đảo”.  

Ngày tạm biệt làng biển Hải Yến mẹ Hoàng khóc vì thương con, còn ông Thăng bùi ngùi chẳng nói nên lời. Sau ba tháng huấn luyện, Hoàng được đơn vị tuyển chọn đi học ngoại ngữ và sau đó được nhà nước cử đi học lớp sĩ quan chỉ huy chuyên ngành hải quân ở Bulgary. Trong suốt thời gian học ở Bulgary, Hoàng được về thăm bố mẹ 2 lần. Hai lần về thăm bố mẹ, quà anh đem về từ nước bạn xa xôi là chiếc bàn là Liên Xô, chiếc xe đạp Đi-a -măng tặng em gái.

Mùa thu năm 1987, sau 7 năm học tập ở nước bạn, Hoàng về nước và được điều động làm thuyền phó tàu HQ-604 của Lữ đoàn 125, Hải quân Việt Nam. Đầu tháng 3/1988, chấp hành mệnh lệnh cấp trên, anh cùng đồng đội ra Trường Sa xây dựng và bảo vệ đảo. Tại đây anh đã cùng với đồng đội trực xây dựng và bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 14/3/1988, anh đã hy sinh khi đang cùng đồng đội bảo vệ đảo Gạc Ma. 

Liệt sĩ Lê Đức Hoàng hy sinh khi tròn 28 tuổi. Anh đã dâng hiến trọn tuổi xuân của mình cho biển đảo, để Trường Sa vọng mãi khúc
hùng ca. 

(Còn nữa)

Không phải chiến tranh mới có người ngã xuống, mà ngay cả thời bình, thời lặng yên tiếng súng, người lính hải quân làm nhiệm vụ ở Trường Sa đã anh dũng ngã xuống giữa biển khơi. Sự hy sinh quên mình của trung úy Đinh Văn Nam khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tàu mắc cạn tại đảo Phan Vinh B ngày 16/10/2013, cũng là biểu tượng của lòng dũng cảm vì sự sống của con tàu, vì bình yên chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.