Những lưu ý khi lái xe qua địa hình đèo dốc

TPO - Trải nghiệm lái xe qua những cung đường vùng cao có thể thú vị nhưng chứa đầy thử thách. Trên thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đoạn đường đèo dốc. Vì vậy, người lái xe cần phải cẩn trọng khi đi qua những khu vực này.

Những điểm đen giao thông tại Việt Nam thường đến từ khu vực đèo dốc như đèo Hải Vân (Thừa Thiên Huế), đèo Cao Bắc (Cao Bằng), đèo Lò Xo,... Đây được cho là nỗi ám ảnh đối với nhiều lái xe. Những cung đường này thường đỏi hỏi tay lái vững vàng và nhiều năm kinh nghiệm.

Mặc dù được trang bị nhiều biển báo và các hốc lánh nạn trên đường, kỹ năng cầm lái là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện chuyến đi an toàn. Và dưới đây là những điều quan trọng cần ghi nhớ để các "bác tài" có thể an tâm khi chạy xe đường đèo.

Giảm nhiệt động cơ khi lên dốc

Chiếc xe của chúng ta phải sử dụng rất nhiều sức mạnh từ động cơ khi lên dốc. Điều này khiến nhiệt độ dưới mui xe tăng nhanh và nếu không kiểm soát sẽ xảy đến hiện tượng cháy nổ.

Để giảm nhiệt độ động cơ khi lên dốc, tài xế nên tắt điều hòa không khí và hạ cửa sổ xuống. Vì việc chạy điều hòa AC kết hợp trọng tải nặng có thể khiến động cơ tăng nhiệt vượt mức cho phép. Ngoài ra, tài xế nên chuyển sang số thấp hơn để bạn có thể duy trì tốc độ ổn định.

Khi đã lên đến đỉnh dốc, người lái nên dừng xe trong vài phút để hạ nhiệt. Tạp chí Jalopnik cho rằng nếu không thể tấp vào lề đường ngay lập tức, bạn có thể bật hệ thống sưởi lên mức cao nhất để xả bớt một phần nhiệt thừa của động cơ.

Ngoài ra, chủ xe nên tìm hiểu loại chất làm mát động cơ cần bổ sung nếu có. Trong trường hợp các bộ phận dưới mui xe quá nóng, tuyệt đối không tháo nắp bộ tản nhiệt cho đến khi động cơ nguội.

Để số thấp khi đổ đèo

Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi ô tô gặp sự cố xuống các dốc lớn. Nguyên nhân chủ yếu thường là do lạm dụng phanh nhiều đến mức phanh xe bị cháy.

Nhiều tài xế có kinh nghiệm cho rằng độ dốc thực tế của con dốc, tình trạng địa lý, tình trạng địa hình, tình trạng tham gia giao thông là những yếu tố quan trọng để quyết định nên để cần số nào. Khi bắt đầu xuống dốc, hãy sử dụng động cơ và hộp số để giảm tốc độ thay vì phanh. Nếu xe của bạn được trang bị hộp số tự động, hãy sử dụng chế độ số L hoặc 2.

Trong trường hợp phanh xe phải hoạt động nhiều và có mùi khét, người lái cần tìm một địa điểm an toàn như những hốc lánh nạn để dừng xe. Tuy nhiên, khi phát hiện bố phận này có vấn đề, chúng ta nên liên lạc hỗ trợ giao thông thay vì cố đi hết đoạn đường.

Hốc lánh nạn được đầu tư xây dựng tại đèo Lò Xo

Cẩn trọng trong những khúc cua

Đoạn đường có nhiều khúc cua thường xuất hiện những điểm mù nguy hiểm. Vì vậy, tài xế nên đi chậm ở lề đường để tạo khoảng cách an toàn đối với các phương tiện phía trước. Chú ý đến các giới hạn tốc độ được hiển thị trên các biển báo cảnh báo cũng là điều quan trọng khi đi qua các khúc cua.

Đặc biệt, người lái chỉ vượt qua các xe khác khi đã nhìn rõ con đường phía trước. Tuyệt đối không làm điều này ở khúc cua khuất hoặc khi tầm nhìn của bạn bị hạn chế.

Để đảm bảo an toàn khi buộc phải quay đầu tại các điểm đèo dốc, tài xế nên tìm một vị trí có góc nhìn trước và sau thật rộng. Sau đó thực hiện xi nhan, vào số và lập tức quay đầu nhanh chóng.

Chuẩn bị bản đồ cho chuyến đi

Các hệ thống bản đồ điện tử có thể sẽ gặp trục trặc khi lăn bánh trên vùng núi cao và hẻo lánh. Vì vậy, hãy trang bị bản đồ giấy để đảm bảo không bị lạc đường trong trường hợp này. Hầu hết các bản đồ sẽ phân loại dốc giúp lái xe có thể kiểm soát chiếc xe dễ dàng hơn.