Theo các chuyên gia, nước dùng để uống thuốc không chỉ đơn thuần là chất dẫn đưa thuốc từ miệng xuống dạ dày, mà còn đóng vai trò là dung môi hòa tan thuốc, giúp thuốc khuếch tán đều khắp bề mặt ống tiêu hóa. Nếu dùng sai loại nước có thể khiến thuốc bị mất tác dụng hoặc biến thuốc trở thành độc tố không tốt cho sức khỏe. Vậy chúng ta không nên uống thuốc với gì?
Sữa
Từ lâu, các nhà khoa học đã khẳng định sữa cùng các chế phẩm từ nó luôn là nguồn dưỡng chất lý tưởng với sức khỏe. Có thể khẳng định sữa là nguồn thực phẩm đúng nghĩa chứ không chỉ là thực phẩm bổ sung. Uống sữa đúng cách sẽ giúp cơ thể nạp đủ các nhóm chất cần thiết như protein, lipit, vitamin…
Dù tốt là thế nhưng sữa là một trong những loại đồ uống không nên dùng để uống thuốc. Cụ thể, canxi trong sữa sẽ làm cản trở cơ thể hấp thụ một số loại thuốc kháng sinh và khiến việc điều trị bệnh kéo dài.
Nước ép trái cây
Nước ép trái cây vốn thơm ngon, ngọt dịu nên rất nhiều người đã sử dụng để uống thuốc dễ dàng hơn. Tuy nhiên nhiều loại nước ép hiện nay đã được chứng minh là gây hại nếu dùng chung với thuốc, chẳng hạn như:
- Nước cam, nước nho và nước táo sẽ làm giảm tác dụng, giảm hấp thụ và tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh. Lý do vì chúng có thể ức chế các men trong quá trình cơ thể hấp thụ thuốc, khiến các chất sinh học ở ruột đảm nhận việc vận chuyển thuốc vào máu không hoạt động được.
- Nước bưởi có thể làm tăng độc tính của thuốc nếu dùng chung với một số loại thuốc như statin trị rối loạn lipid máu hay atenolol trị cao huyết áp … Loại nước này sẽ ức chế men chuyển hóa thuốc ở gan, làm tăng nồng độ thuốc trong máu và gây ngộ độc.
Các loại trà
Bình thường thì các loại trà xanh, trà đen, trà ôlong… đều rất có lợi cho sức khỏe và giúp thanh lọc cơ thể. Nhưng nếu dùng chung với các loại thuốc chứa sắt, caffeine trong trà sẽ kết hợp với sắt tạo thành một chất kết tủa không thể hấp thụ được, khiến thuốc mất đi tác dụng vốn có.
Bên cạnh đó, caffeine trong trà cũng làm giảm tác dụng của các loại thuốc an thần gây ngủ nếu uống cả 2 cùng lúc. Những người hay uống trà thường xuyên, đặc biệt là người cao tuổi, cần lưu ý tránh vấn đề này để việc uống thuốc mang lại hiệu quả như mong muốn.
Cà phê
Cũng giống như trà, cà phê chứa lượng lớn caffeine sẽ làm giảm tác dụng của một số loại thuốc. Krissy cũng cho biết, cà phê có thể thay đổi thành phần hóa học và tác động tới thời gian phân hủy thuốc, khiến thuốc không thể phát huy khả năng điều trị bệnh. Chưa kể cà phê còn gây hại cho dạ dày, nhất là khi dùng các loại thuốc kháng viêm thì không được dùng cà phê để uống thuốc.
Bia, rượu và các thức uống có cồn khác
Trong khi đang dùng các loại thuốc chứa acetaminophen như panadol… thì không được uống bia rượu chung kẻo suy gan. Bên cạnh đó, rượu bia cũng làm hạn chế tác dụng chữa bệnh của thuốc chống trầm cảm , thuốc chữa bệnh thần kinh và làm tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc khác.
Ngoài ra, rượu bia còn làm tăng độc tính hại gan trong paracetamol, tăng độc tính hại dạ dày của aspirin, tăng độc tính gây mê của thuốc an thần.
Nước ngọt có ga
Trong những loại nước này thường có chứa caffein, là chất kích thích giúp tỉnh táo. Chúng sẽ kết hợp với thuốc có thành phần sắt, tạo thành kết tủa không hấp thu được vào cơ thể.
Nước uống thể thao
Thành phần Kali trong nước uống thể thao gây nguy hiểm cho cơ thể khi dùng chung với thuốc chống suy tim, thuốc hạ huyết áp.
Nước tốt nhất dùng để uống thuốc
Nước lã đun sôi để nguội hoặc nước lọc hợp vệ sinh là loại nước tốt nhất dùng để uống thuốc. Uống thuốc với loại nước này với lượng nước đủ sẽ giúp đưa thuốc viên (viên nén hoặc viên nang) từ miệng xuống nhanh đến dạ dày, tan rã và hòa tan tạo dung dịch thuốc, sau đó trôi xuống ruột là vị trí dược chất sẽ hấp thu vào máu cho tác dụng.
Đối với thuốc là viên nang hay còn gọi là viên nhộng là dạng dễ nuốt, một số người uống khan, không uống chung với nước (đặc biệt là người cao tuổi do rối loạn tiểu tiện thường đi tiểu lắt nhắt rất ngại uống nước), viên nang uống khan có thể dính lại ở thực quản gây viêm loét thực quản rất tai hại.
Vì vậy, uống thuốc với lượng nước đủ là cần thiết, thậm chí có một số thuốc đòi hỏi phải uống nước thật nhiều (như thuốc chứa dược chất sulfamid) để thuốc được lọc, bài tiết nhiều theo nước tiểu không gây đóng sỏi hại thận.
Có thể dùng nước đóng chai nhưng phải là nước tinh khiết chứ không nên dùng nước chứa các chất khoáng (còn gọi nước suối) để uống thuốc, bởi vì chất khoáng như: canxi, natri... có thể tương kỵ gây ảnh hưởng đến thuốc.